Đâu là nguyên nhân khiến điện thoại ngày càng dễ vỡ?

17/05/2020 17:07 GMT+7

Smartphone hiện đại giống như một chiếc siêu xe: bắt mắt, bóng bẩy, mạnh mẽ nhưng lại hết sức mong manh trong khi giá chẳng hề rẻ. Nhưng người dùng vẫn mua, làm hỏng rồi lại mua.

Bạn có thể đang sở hữu một chiếc xe bình thường làm phương tiện di chuyển đã nhiều năm, nhưng điện thoại thì đa phần không như vậy. Smartphone ngày càng giống nhau với mặt kính uốn cong, khung nhôm, viền bezel siêu mỏng, có thể “tai thỏ” (notch) hay kiểu giọt nước, thậm chí “nốt ruồi”. Không ai có thể phủ nhận sự sang trọng trong thiết kế đó, nhưng cũng không ai không biết rằng vẻ đẹp đó thực sự rất mong manh.
Điện thoại ngày càng dễ vỡ, nhưng vì sao người dùng vẫn không ngừng mua, còn những loại “rơi xuống đất vỡ nền vỡ gạch, máy còn nguyên” lại dần vắng bóng?

Cuộc cách mạng kính

Điện thoại với màn hình phủ kính đã xuất hiện được nhiều năm. Có thể nhiều người sẽ nghĩ ngay tới iPhone 4 (ra mắt 2010) - smartphone được xem như mẫu đầu tiên sở hữu thiết kế 2 mặt kính ép vào một khung kim loại. Nhưng cũng chỉ 2 năm sau đó, Apple đã bỏ mẫu này và quay sang chọn nhôm làm vỏ cho toàn bộ iPhone mới của hãng.
4 năm sau khi iPhone 4 ra mắt, đối thủ số một của Apple là Samsung vẫn trung thành với thiết kế nắp lưng bằng nhựa trên Galaxy S5, smartphone đầu bảng của hãng thời điểm đó. Nhưng cũng vì lý do này mà sản phẩm bị chỉ trích không thương tiếc. Tới năm 2015, các kỹ sư của Samsung cho ra đời Galaxy S6, trong đó có bản Galaxy S6 Edge hút mọi ánh nhìn với mặt kính trước uốn cong hai bên cạnh, khung nhôm, mặt kính sau. Sản phẩm cũng mở đầu cho trào lưu màn hình cong tới tận ngày nay.
Theo số liệu của Counterpoint, ước tính tới cuối năm 2020, 60% smartphone trên thị trường sẽ có mặt lưng bằng kính, so với 7% của năm 2016.
“Chìa khóa” cho sự thay đổi này chính là điện thoại kính trông đẹp và cho cảm giác cầm cũng như sở hữu thích hơn so với máy không dùng kính làm mặt lưng. Cụ thể hơn, smartphone 2 mặt kính mang tới sự hấp dẫn và cao cấp khi cầm trên tay. Apple cũng đã quyết định trở lại với thiết kế kẹp khung kim loại giữa hai mặt kính sau nhiều đời iPhone từ 5 cho tới 7.

Nhiều người không thay kính điện thoại vỡ nếu màn hình vẫn nhận cảm ứng bình thường

Ảnh: AFP

Theo Phone Arena, tính tới hết năm 2018, Apple là nhà sản xuất điện thoại duy nhất trên thị trường có gần 64% smartphone sử dụng thiết kế hai mặt kính, còn Samsung là hãng đi theo xu hướng này sớm hơn so với nhiều đối thủ.
Giờ đây, thiết bị tầm trung cũng đã chuyển dần sang sử dụng mặt lưng bằng kính thay vì nhựa (ví dụ dòng Galaxy A của Samsung từ năm 2016 trở đi). Điện thoại từ nhiều phân khúc và các nhà sản xuất khác nhau cũng bắt đầu áp dụng thiết kế này để trở nên đẹp hơn trong mắt khách hàng.

Một thế giới điện thoại mỏng manh

Càng nhiều kính thì khả năng vỡ càng cao và nhiều người còn chẳng buồn đi thay mặt kính khi vô tình làm rơi vỡ máy. Họ sẵn sàng mua luôn thiết bị mới, không phải vì giàu có, dư dả mà bởi việc thay thế vừa khó khăn lại còn tốn kém. Các gói bảo hành không chấp nhận máy vỡ kính do tai nạn từ phía người dùng, nên nếu muốn thay họ phải tự bỏ tiền túi. Số tiền này thường chiếm 1/3 giá trị chiếc máy hoặc cao hơn nữa.
Hãng nghiên cứu SquareShare từng công bố một khảo sát năm 2018 cho thấy 66% người sở hữu smartphone gây hỏng hóc cho thiết bị của mình, trong đó vỡ màn hình là loại hư hỏng phổ biến nhất (29%). Khảo sát cũng cho hay năm 2017, người Mỹ chi 3,4 tỉ USD để sửa hơn 50 triệu màn hình bị vỡ. Trong khi đó có 59% chủ máy không buồn sửa mà mua luôn thiết bị mới. Nếu vỡ màn hình mà không ảnh hưởng tới sử dụng, 67% người dùng tiếp tục “sống chung với lũ” chứ không thay.
Thói quen này cho thấy các nhà sản xuất không quan tâm tới độ bền của sản phẩm. Sao phải quan tâm khi điện thoại ngày càng đắt, máy thì dễ vỡ nhưng người dùng vẫn có thói quen mua smartphone mới mỗi khi họ làm vỡ cái cũ.

Thói quen dùng ốp bảo vệ

Dùng ốp giúp bảo vệ điện thoại kính khỏi vỡ nhưng cũng phá hỏng mục đích ra đời của sản phẩm: phô trương cái đẹp. Điều này giống như mua một chiếc xe Ferrari mới rồi lúc nào cũng phủ bạt, kể cả khi đang lái ngoài đường.

Ốp bảo vệ giúp điện thoại an toàn khi va đập nhưng khiến máy dày và mất vẻ sang trọng vốn có

Ảnh: Mophie

Cái ốp lưng bằng cao su hay nhựa cũng là nơi “chôn” vẻ đẹp của lớp kính cong mà nhà sản xuất đã cố công nghiên cứu, áp dụng. Bạn bỏ ra vài triệu đồng hay nthậm chí đôi, ba chục triệu đồng để sở hữu smartphone mới đẳng cấp, sang trọng, không tiếc tiền mua ốp bảo vệ để cái đẹp đó bền hơn, che chắn máy kỹ càng hơn mà không nhận ra mình đang quên một trong những lý do dẫn tới quyết định chọn sản phẩm.
Từng có thời ốp bảo vệ điện thoại là những loại bao da gắn vào thắt lưng để giải phóng tay và túi quần thay vì giữ cho máy được an toàn trước các tình huống va đập rủi ro. Nhưng khi điện thoại mặt kính ra đời, thị trường ốp bảo vệ trở nên ngập tràn mẫu mã. Có khoảng 80% chủ nhân điện thoại dùng ốp bảo vệ máy. Sau tất cả, các nhà sản xuất kính cho smartphone, hãng chuyên làm phụ kiện mới là kẻ có lợi, còn người dùng vừa tốn thêm tiền, vừa đánh mất phong cách và vẻ đẹp của thiết bị mình đang sở hữu.

Vì sao không chọn kim loại thay cho kính?

Trên thị trường vẫn có số lượng nhất định smartphone không dùng hai mặt kính, thay vào đó chọn kim loại hoặc nhựa. Kim loại chủ yếu được sử dụng là hợp kim nhôm, có độ bền tương đối, nếu sử dụng thiết kế nhám sẽ không bám vân tay và mồ hôi trong quá trình sử dụng. Chất liệu này cũng mang lại vẻ sang trọng nhất định cho thiết bị.
Tuy nhiên khi công nghệ sạc không dây phát triển và trở thành tính năng không thể thiếu trên smartphone cao cấp, kim loại lại gây ra cản trở. Vật liệu này không thể dùng với sạc không dây, đồng thời có khả năng vấn đề nhận tín hiệu mạng. Nhược điểm thứ hai dễ dàng khắc phục bằng cách thay đổi nơi đặt ăng-ten trong máy, nhưng sạc không dây vẫn là trở ngại, khiến smartphone với lưng kim loại không thể phổ biến được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.