Đau loét miệng: cần tránh ăn món nào?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
19/08/2024 00:10 GMT+7

Các vết loét miệng dù không kéo dài nhưng có thể khiến người mắc cực kỳ khó chịu. Có nhiều nguyên nhân khiến vết loét hình thành. Để vết loét mau lành, mọi người cần tránh ăn một số món.

Dù cùng gây đau đớn, khó chịu nhưng loét môi và loét miệng là hai tình trạng khác nhau. Loét môi thường xuất hiện quanh môi, trong khi loét miệng lại xảy ra ở bên trong miệng, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

Đau loét miệng: cần tránh ăn món nào?- Ảnh 1.

Loét miệng nên tránh ăn các món cứng, chẳng hạn như bánh mì

ẢNH: PEXELS

Các nguyên nhân thường gặp có thể dẫn đến loét miệng là hút thuốc, chấn thương, căng thẳng hoặc thiếu một số chất dinh dưỡng. Các vết loét thường sẽ nhỏ, tròn và gây cảm giác nóng rát rất khó chịu.

Nghiên cứu cho thấy khoảng 85% các vết loét miệng là nhẹ. Chúng thường kéo dài không lâu, thường mất khoảng hai tuần là lành hoàn toàn. Tuy nhiên, khoảng thời gian gây đau đớn nhất là từ 3 đến 5 ngày sau khi vết loét xuất hiện. Trong khoảng thời gian này, các chuyển động trên khuôn mặt, chẳng hạn như nhai, cười, hắt hơi có thể khiến vết loét thêm đau.

Điều tương tự cũng xảy ra khi ăn một số loại thực phẩm. Các loại thực phẩm mà người bị loét miệng cần tránh là những món cứng, thức ăn cay và đồ uống có đường.

Những món cứng, chẳng hạn như bánh mì, khoai tây chiên hay bánh quy, có thể cọ xát vào vết loét và gây đau đớn. Ngoài ra, bất cứ món nào cay, có tính a xít hoặc nhiều muối cũng đều có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng loét miệng. Các loại thực vật có tính a xít cao có thể nhắc đến là nho, trái việt quất, thơm và các loại thuộc họ cam quýt.

Cuối cùng, người bị loét miệng cần tránh các loại đồ uống có đường, đặc biệt là soda. Những thức uống này không chỉ gây cảm giác khó chịu khi tiếp xúc với vết loét mà còn tăng viêm nhiễm trong cơ thể.

Để vết loét mau lành, các chuyên gia khuyến cáo hãy ưu tiên chọn những món mềm, chẳng hạn như súp, cháo hay các món nhiều nước. Những món này không chỉ dễ ăn, dễ tiêu hóa mà còn không gây tổn thương cho vết loét. Một điều cần lưu ý là hãy để thức ăn nguội rồi hãy thưởng thức. Nhiệt độ nóng cũng khiến vết loét thêm đau.

Ngoài ra, những món lạnh như nước lạnh hay kem có thể giúp làm dịu tạm thời vết loét. Nếu vết loét miệng kéo dài quá 2 tuần, các triệu chứng không thuyên giảm, gây sốt thì rất có thể là do bệnh tiềm ẩn gây ra. Người mắc cần đến bác sĩ khám càng sớm càng tốt, theo Medical News Today.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.