Trưa 8.9. Sở Y tế TP.HCM cho biết đã xác định được tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ tại TP.HCM suốt hơn 1 tháng qua là do 2 loại vi rút adeno và entero.
Cụ thể, các trường hợp đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đang có chiều hướng gia tăng. Theo yêu cầu của Sở Y tế TP.HCM, Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU) đã phối hợp với Bệnh viện Mắt TPHCM và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tiến hành tìm tác nhân gây bệnh trên 39 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Mắt TP.HCM ngày 7.9. Kết quả cho thấy, trong 39 mẫu vật thu thập được, có 5 mẫu vật chứa vi rút adeno, 32 mẫu vật chứa vi rút entero, 2 mẫu vật còn lại không tìm thấy tác nhân.
Từ kết quả trên, có thể nhận định rằng nguyên nhân gây đau mắt đỏ trên các người bệnh tại địa bàn TP.HCM trong suốt thời gian qua là vi rút entero và vi rút adeno.
Đã xác định 2 tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ ở TP.HCM
Đau mắt đỏ do vi rút entero và adeno có nguy hiểm?
BS.CKI Lê Đức Quốc (Khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết: Đau mắt đỏ do vi rút adeno và entero gây ra thường gặp các triệu chứng mắt đỏ, ngứa mắt, đau, sưng mí, chảy ghèn, các triệu chứng siêu vi toàn thân. Tuy nhiên, bệnh có thể khỏi sau 7-14 ngày nếu chăm sóc đúng cách và cần lưu ý vấn đề vệ sinh cá nhân hằng ngày để có thể hồi phục nhanh chóng.
Khi người bệnh cảm thấy khó chịu do đau nhức mắt, cộm mắt nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để lại biến chứng ảnh hưởng đến giác mạc như viêm giác mạc, loét giác mạc, có thể dẫn đến mù lòa.
Ngoài ra, đau mắt đỏ không quá nguy hiểm nhưng rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý khác như viêm củng mạc, viêm nội nhãn, viêm loét giác mạc. Người bệnh cần phải đến các bệnh viện chuyên khoa mắt để kiểm tra để có hướng điều trị phù hợp.
Tỷ lệ biến chứng chiếm 1,59%
Theo HCDC, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 31.8, tổng số ca bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố là 63.309 ca, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2022 là 53.573 ca.
Trong tổng số 63.039 ca bệnh, 1.001 ca có biến chứng, chiếm 1,59%. Các biến chứng của bệnh viêm kết mạc thường gặp gồm viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực,…
Số trẻ em dưới 16 tuổi bị mắc bệnh viêm kết mạc trong 8 tháng đầu năm 2023 là 15.402 ca, chiếm 24,43%. Trong số trẻ em dưới 16 tuổi mắc bệnh viêm kết mạc, có 288 ca biến chứng, chiếm 1,87%.
Xem nhanh 12h ngày 9.9: Đã xác định 2 tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ ở TP.HCM
Không cần "săn thuốc xịn" hay nhỏ thuốc phòng
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết, với bệnh đau mắt đỏ, không cần mua thuốc nhỏ ngừa đau mắt đỏ. Vì nó không hiệu quả. Người bị đau mắt đỏ nên mang mắt kiếng và khẩu trang 5-7 ngày. Khi vệ sinh mắt nên dùng bông gòn sạch lau một lần rồi bỏ, không nên dùng khăn chặm nhiều lần dễ gây bội nhiễm.
"Với người bệnh đau mắt đỏ, rất hiếm trường hợp cần uống kháng sinh, kháng viêm. Khi bắt đầu mắc bệnh thì nên vệ sinh bằng nước muối sinh lý, khi ghèn đục nhiều hơn, bác sĩ sẽ có chỉ định nhỏ kháng sinh, tuy nhiên không cần “săn” loại thuốc “xịn”, thuốc thường cũng đã có hiệu quả", bác sĩ Khanh chia sẻ.
Ngoài ra, bác sĩ Khanh cũng lưu ý với trẻ nhỏ khi bị đau mắt đỏ mà không hợp tác nhỏ mắt không nên cố gắng ép trẻ nhỏ khiến trẻ khóc, chảy nước mắt... Nên chờ khi trẻ ngủ có thể nhỏ.
Một số biện pháp phòng ngừa đau mắt đỏ và lây lan bệnh
Bác sĩ Quốc cho biết: để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như thuốc nhỏ mắt, khăn mặt…
Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sát trùng đồ dùng, vật dụng của người bệnh bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn thông thường
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với người mắc bệnh đau mắt đỏ.
Bình luận (0)