Đưa chúng tôi đi đến các điểm thi công trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết hôm 6.1, kỹ sư Trần Quang Minh, thuộc Ban Quản lý dự án giao thông 7 (Ban 7 - Bộ GTVT) dặn chúng tôi. “Các anh nhớ chuẩn bị mũ tai bèo, khẩu trang và mặc áo dài tay vì cái nắng, cái gió ở Tuy Phong kinh lắm đó”.
Chiếc ô tô hai cầu của Ban 7 chồm lên chúi xuống chừng vài cây số mới vào đến điểm thi công thứ nhất, nằm ở lưng chừng núi Ông Mục, giáp ranh giữa xã Phú Lạc và Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Đây là quả núi Số 2 của tuyến cao tốc tính từ Vĩnh Hảo vào Phan Thiết .
|
Chỉ huy trưởng điểm thi công này là kỹ sư Nguyễn Quang Thức, đưa chúng tôi lên tận đỉnh núi. Thức có gần 20 năm kinh nghiệm thi công đường giao thông, nhưng phải thốt lên “gió ở Tuy Phong kinh thật, em chưa bao giờ thấy gió mạnh như ở đây”. Đúng là kinh thật, khi lên tới đỉnh núi, với độ cao 65 m, gió thổi khiến chúng tôi không đứng vững, rất khó để chụp ảnh, quay phim công trường.
|
Kỹ sư Thức cho biết, ngay sau khi liên doanh nhà thầu của anh nhận bàn giao mặt bằng từ Ban 7 - Bộ GTVT, công ty đã tập kết ngay máy móc, công nhân, dựng lán trại và thi công từ đầu tháng 11.2020 đến nay.
Liên doanh nhà thầu của anh được giao thi công gói thầu XL1, có độ dài gần 20 Km từ Vĩnh Hảo vào tận xã Phan Hòa của huyện Bắc Bình.
Nhưng ngay điểm thi công đầu tiên của tuyến là núi Ông Mục có độ cao 65 m. Nhiệm vụ của nhà thầu thi công là phải đào “bay” quả núi này cho bằng mặt đường thiết kế tuyến cao tốc.
Với hơn 100 công nhân, hàng chục xe, máy thiết bị, kể từ ngày 5.11.2020 cho đến nay (5.1.2021) đội thi công của kỹ sư Thức (Công ty TNHH Tự Lập) đã làm hàng chục km đường thi công; nổ mìn phá đá, khoan đào và vận chuyển được hơn 220.000 m3 đất đá. Mặc dù thời tiết ở Tuy Phong mùa này rất khắc nghiệt, nhưng tiến độ thi công rất khẩn trương ngay từ ngày đầu.
|
“Trên công trường, gió bụi mịt mùng. Chúng tôi phải tưới nước để giảm thiểu bụi cho đảm bảo việc thi công của anh em công nhân. Phấn đấu từ nay đến khi nghỉ Tết Nguyên đán, sẽ làm thêm được khoảng 7 km đường công vụ nữa và đào bóc được khối lượng trên 70.000 m3 đất đá mới nghỉ tết”- kỹ sư Thức cho biết.
Hạ quyết tâm hoàn thành trong vòng 24 tháng
Anh Thức cho biết thêm, do tiến độ nhà thầu được giao chỉ 24 tháng, cả làm nền và thảm nhựa, nên đơn vị thi công của anh đã lên kế hoạch làm cả ca đêm.
“Nếu không làm ca đêm sẽ khó mà kịp tiến độ. Đặc biệt là thi công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như thế này, nên anh em chúng tôi hạ quyết tâm ngày từ những ngày đầu thi công” - anh Thức nói.
Chỉ cách đơn vị thi công của anh Thức chừng vài trăm mét, là đơn vị thi công của Công ty TNHH Đạt Phương. Theo kỹ sư Trần Quang Minh, Công ty TNHH Đạt Phương được giao gói thầu làm liên tiếp 3 cây cầu bắc qua kênh thủy lợi và băng qua tuyến đường sắt.
|
Kỹ sư cầu đường tên Ngọc Hòa cho biết, hiện đơn vị của anh mới lắp ráp xong máy trộn bê tông; làm bệ sàn để đúc dầm cầu. “Hiện nay chúng tôi đã tập kết thiết bị máy móc tương đối đủ và bắt tay ngay vào việc đúc dầm cầu. Mỗi dầm cầu nặng hàng trăm tấn, đòi hỏi thiết bị, vật liệu phải đạt chuẩn và nhất là phải có cần cẩu hạng nặng mới có thể thi công. Trong khi Tuy Phong đang vào mùa khô, lượng nước phục vụ cho công trình sẽ thiếu, thậm chí thiếu cả nước sinh hoạt cho anh em công nhân. Nhưng kỹ sư, công nhân vẫn chăm chỉ làm việc cả ngày lẫn đêm cho kịp tiến độ" - theo kỹ sư Hòa.
|
Chúng tôi lại di chuyển vào xã Hồng Liêm (huyện Hàm Thuận Bắc) để ghi nhận không khí thi công tại gói thầu XL4. Đây là điểm thi công của nhà thầu Tổng công ty CP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Tại điểm thi công này, dù khí hậu không đến nỗi khắc nghiệt như Tuy Phong, nhưng địa hình phức tạp. Đơn vị thi công phải “xẻ” tới hai ngọn núi ngay sát hồ thủy lợi Suối Đá. Ngọn núi cao ngay giáp ven hồ thủy lợi tới 70 m; ngọn núi thấp hơn cũng 35 m, chỉ cách nhau chừng 400 m chiều dài trên tuyến.
|
Ông Trịnh Quốc Quân - Tổng chỉ huy liên doanh nhà thầu Vinaconex cho biết, đơn vị thi công này đã chia thành 3 đội thi công. Đội thứ nhất đã làm sạch lớp phủ bề mặt quả núi, bắt đầu bóc tách lớp đất đá trên mặt. Đội thứ hai vừa làm mặt nền đường vừa làm mặt bằng để xây dựng nhà máy nghiền đá làm vật liệu thi công tại chỗ. Đội thứ ba đã đào được gần 120.000 m3 đất đá. “Chúng tôi đã huy động được 50% quân số anh em công nhân và máy móc để thi công. Máy móc xe cơ giới đều là xe mới. Đang làm thêm lán trại để anh huy động thêm công nhân, thi công cả ban đêm cho kịp tiến độ”- ông Quân cho biết.
Sẽ đưa đón công nhân về quê đón tếtÔng Hoàng Tuấn Khoát - Phó trưởng Ban 7 - Bộ GTVT cho biết, là đơn vị được Bộ GTVT giao trách nhiệm thay mặt chủ đầu tư giám sát các nhà thầu tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Ban 7 đã phối hợp chặt với chính quyền các huyện bàn giao mặt bằng sớm cho nhà thầu thi công. Đảm bảo nguồn nguyên vật liệu, nguồn nước và đặc biệt là công tác an ninh trên công trường cho thật tốt. Hiện vẫn còn gần 30 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, cần đôn đốc để bàn giao hết. Về tiến độ thi công, Ban 7 giám sát chặt các đơn vị thi công theo đúng hợp đồng cam kết. Từ nay đến giáp Tết Nguyên đán 2021, tất cả các gói thầu sẽ đồng loạt tăng tốc cho tới cận tết.
“Để công nhân an tâm lao động, thi công trên công trường, chúng tôi đề nghị các nhà thầu có xe đưa đón công nhân về quê đón tết với gia đình và trở lại công trường để bắt đầu thi công từ mùng 10 Âm lịch. Do thời gian thi công tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chỉ trong 24 tháng, nên việc thi công phải liên tục, khẩn trương mới kịp tiến độ mà Chính phủ giao” - ông Khoát nói.
|
Bình luận (0)