Đấu thầu công khai để chỉnh trang đô thị

10/05/2019 06:55 GMT+7

Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo UBND TP tại buổi làm việc với Quận ủy Q.3 về công tác chỉnh trang đô thị, ngày 9.5.

Tái định cư tại chỗ 100%

Trước khi làm việc tại Q.3 về công tác chỉnh trang đô thị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cùng với lãnh đạo Q.3, sở ngành, các nhà tư vấn nước ngoài khảo sát một số địa điểm nghiên cứu tiến hành chỉnh trang ở Q.3 như khu vực Xí nghiệp đầu máy toa xe Sài Gòn, khu vực ao rau muống, khu vực chùa Vĩnh Nghiêm dọc kênh Nhiêu Lộc.
Tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND Q.3, cho biết hiện Q.3 đã thuê đơn vị tư vấn nghiên cứu chỉnh trang đô thị trên địa bàn quận ở phường 7, 9, 10, 11, 13, 14 và khu vực ga Hòa Hưng với diện tích 110 ha. Trong đó khu vực trực tiếp bị ảnh hưởng khoảng 85 ha, với 40.000 người dân.
Theo đại diện Công ty tư vấn CPG của Singapore, khi tiến hành nghiên cứu và thực hiện đồ án quy hoạch, điểm nhấn là xây dựng khu vực ga Hòa Hưng thành điểm kết nối giao thông công cộng như metro, đường trên cao, hệ thống xe buýt nhanh với khu trung tâm và sân bay Tân Sơn Nhất. Khu vực này sẽ không phát triển nhà ở mà tập trung vào các cao ốc dịch vụ, thương mại cao khoảng 41 tầng. Tại khu vực Xí nghiệp đầu máy toa xe Sài Gòn diện tích 10 ha định hướng quy hoạch là công viên văn hóa và bảo tàng đường sắt, văn phòng thương mại; một phần đất dành làm nhà tái định cư, nhà ở xã hội cao khoảng 30 tầng. Đây sẽ là điểm đến về ký ức để người dân TP đến tham quan, nhất là khu sửa chữa đầu máy.
Trong khi đó, theo đồ án quy hoạch, các khu vực ven kênh Nhiêu Lộc mật độ dân cư khá cao, điều kiện hạ tầng kỹ thuật cho cây xanh, giáo dục rất ít nên quy hoạch một phần đất sẽ làm tái định cư, một phần là dân cư mới thấp tầng để giảm dân số. Đơn vị tư vấn đề ra lộ trình cuốn chiếu. Đầu tiên là ở ga Hòa Hưng, khu vực Xí nghiệp đầu máy toa xe Sài Gòn vì nơi đây có quỹ đất sạch, có thể lấy quỹ đất làm nhà tái định cư để triển khai các khu vực tiếp theo. “Một số công trình công cộng như trường học không nhất thiết phải dành quỹ đất để phát triển mà có thể kết hợp trong các khối đế của công trình cao tầng nhằm tiết kiệm đất và để đồ án có tính khả thi cao hơn. Đồ án cũng khuyến khích hợp tác công tư, tăng đô thị nén để giải quyết vấn đề tăng dân cư. Tái định cư tại chỗ 100%”, vị này cho hay.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận định mục tiêu kỳ vọng của đồ án rất lớn nhưng trở ngại không nhỏ, nhất là vấn đề bồi thường tái định cư. Phải làm sao đảm bảo 100% cuộc sống cho người dân trong diện giải tỏa. “Đây là dự án rất hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó chúng tôi kiến nghị phải đấu thầu công khai để tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư tham gia dự án”, ông Châu nói.

Sử dụng hiệu quả quỹ đất

Ông Trần Trọng Tuấn, Bí thư Quận ủy Q.3, cho hay quan điểm của Q.3 đối với việc chỉnh trang đô thị ở quận là dự án phải đạt được sự đồng thuận của người dân, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật. Nơi ở của người dân tái định cư phải gắn liền với không gian sống, việc làm, điều kiện học hành, đi lại…
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị khi thực hiện các đồ án chỉnh tranh đô thị cần phải có cách tiếp cận để vừa chỉnh trang, làm mới nhưng ít tạo sự tác động nhất đến đời sống người dân. Đi cùng phát triển, phải có biện pháp bảo tồn, tôn tạo và nâng cấp di tích lịch sử. “Sau cuộc khảo sát này đề nghị Sở QH-KT cùng với Sở Xây dựng bàn bạc để họp với UBND TP kiến nghị phương án triển khai. Đối với 3 dự án cụ thể đưa ra tại cuộc làm việc, đề nghị Q.3 và sở ngành tìm hiểu kỹ, cập nhật để đề nghị với lãnh đạo TP gỡ vướng những khó khăn, vướng mắc”, ông Nhân nói và hoan nghênh các nhà tư vấn nước ngoài thời gian qua đã phối hợp với Q.3 trong việc đưa ra các phương án chỉnh trang đô thị ở quận.
Ông Nhân cũng đề nghị Sở QH-KT, Sở Xây dựng tham mưu cho lãnh đạo TP khảo sát thêm một số quận, huyện có ý định chỉnh trang đô thị giống như Q.3. Thời gian tới TP sẽ có buổi họp chuyên đề của thường trực UBND TP với sở ngành để đưa ra nguyên tắc, kinh nghiệm triển khai quy hoạch chỉnh trang đô thị TP. “TP có nhiều áp lực như áp lực về dân số khi cứ 5 năm lại tăng thêm 1 triệu người, 5 năm thêm 1 triệu xe máy.
Dù có làm tàu điện ngầm nhưng đường nội thành không mở rộng được cũng sẽ tắc. Mà mở đường thì đụng đến nhà dân. Một áp lực nữa là áp lực thu ngân sách ngày càng tăng, trong đó nguồn thu quan trọng là ở ngành dịch vụ, thương mại nhưng quỹ đất dôi dư để làm các dịch vụ này ở quận nội thành còn ít. Do vậy, cần tái cơ cấu lại quỹ đất của các quận để người dân có đủ đất ở nhưng quận cũng phải có quỹ đất dôi dư để làm dịch vụ, thương mại. Đồng thời có thêm cây xanh, nhưng người dân có điều kiện nhà ở tốt hơn.
Tuy nhiên, tiền đâu mà làm, nên chỉ có thể là lấy nó nuôi nó”, ông Nhân phân tích và dẫn mô hình thành công ở Hồng Kông, tại một nhà ga ở Hồng Kông sau khi chính quyền tổ chức quy hoạch lại thì “dư” được một quỹ đất. Chính quyền bán phần đất này lấy nguồn đầu tư nhà ga.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.