Từ hôm nay (5.12), Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu Nga vận chuyển đường biển, sau khi tất cả các nước thành viên đã phê chuẩn mức này hôm 3.12, theo Reuters.
Trạm tiếp nhận của đường ống dẫn dầu Druzhba giữa Hungary và Nga |
Reuters |
Trước đó, ngày 2.12, nhóm các nước G7 (gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức và Ý) và Úc cũng tuyên bố sẽ áp mức giá như thế đối với dầu Nga vận chuyển đường biển từ ngày 5.12 hoặc ngay sau đó. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho hay quyết định mới của EU và G7 nhằm gây ảnh hưởng nặng nề hơn lên doanh thu của Nga và giảm khả năng của nước này thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Điện Kremlin không chấp nhận mức giá trần dầu thô phương Tây áp đặt |
“Quyết định mới cũng sẽ giúp chúng tôi ổn định giá năng lượng toàn cầu, mang lại lợi ích cho những quốc gia trên thế giới đang đối mặt với giá dầu cao”, bà von der Leyen khẳng định và cho rằng mức giá trần đối với dầu Nga sẽ được điều chỉnh theo thời gian để EU có thể ứng phó những diễn biến của thị trường. Trong khi đó, Đại sứ quán Nga tại Mỹ ngày 2.12 cảnh báo việc áp giá trần “chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng không chắc chắn ngày càng tăng và gây ra chi phí cao hơn cho người tiêu dùng nguyên liệu thô”, theo Hãng tin TASS.
Giới phân tích thì cho rằng mức giá trần đối với dầu Nga như trên không gây tác động lớn tức thì đối với Nga cũng như thị trường năng lượng thế giới. Trong đó, chuyên gia về chính sách năng lượng Simone Tagliapietra thuộc tổ chức nghiên cứu Bruegel (Bỉ) nhận định giá trần 60 USD “gần như sẽ không được chú ý” vì mức đó gần bằng với giá dầu bán hiện nay của Nga. Tuy nhiên, ông Tagliapietra cho rằng mức giá trần có thể cản trở Điện Kremlin thu lợi nhuận, nếu giá dầu bất ngờ tăng vọt và việc áp giá trần được thực thi nghiêm ngặt, theo AP.
Ngoài ra, ông John Kemp, nhà phân tích thị trường của Reuters chuyên về các hệ thống năng lượng và dầu mỏ, ngày 2.12 viết trên Twitter rằng giá trần 60 USD/thùng đối với dầu Nga lúc đầu sẽ không liên quan đến giá thị trường, nhưng sẽ thay đổi theo cơ chế xem xét 2 tháng một lần.
Xem nhanh: Chiến sự Nga-Ukraine ngày thứ 283 |
Còn nhà phân tích Pavel Molchanov, thuộc công ty tài chính Mỹ Raymond James, dự đoán việc áp giá trần đối với dầu Nga sẽ có “hiệu ứng ngoài lãnh thổ” khi được thực thi cùng với lệnh cấm của EU và Anh đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga từ ngày 5.12, lệnh cấm đối với các sản phẩm dầu mỏ Nga từ ngày 5.2.2023, và tình trạng Mỹ và Nhật Bản đã loại dần việc nhập khẩu năng lượng từ Nga, theo chuyên trang MarketWatch.
Tổng thống Pháp đề cập đảm bảo an ninh cho Nga
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Đài truyền hình TF1 được phát ngày 3.12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng phương Tây nên xem xét cách giải quyết nhu cầu đảm bảo an ninh của Nga nếu Tổng thống Vladimir Putin đồng ý đàm phán về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine. Phát ngôn này cho thấy Tổng thống Macron thông cảm với nhu cầu đảm bảo an ninh của Moscow, theo Reuters.
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Macron ở Moscow vào ngày 8.2, vài tuần trước khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ tiếp tục cố gắng có được câu trả lời từ phương Tây đối với 3 yêu cầu an ninh chính của mình là NATO không mở rộng thêm nữa, không triển khai tên lửa gần biên giới Nga và giảm quy mô cơ sở hạ tầng quân sự ở châu Âu xuống mức như năm 1997. Tuy nhiên, phía Mỹ khi đó nói rằng các yêu cầu của Nga là “không có cơ hội thành công”.
Bình luận (0)