Cần đầu tư cho khoa học và giáo dục
Phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo, ông GS Gerard 't Hooft cho rằng một đất nước muốn phát triển thì trước nhất phải đầu tư cho giáo dục và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học.
“Vấn đề là chúng ta phải phát hiện ra điểm yếu của cái cũ để đưa ra cái mới phù hợp hơn. Ngày nay, khoa học được thực hiện ở mọi nơi trên thế giới, ở tất cả các nước với mục đích là tìm ra các phát minh mới, các vật dụng mới, nguồn lực mới… để làm cho đất nước phát triển hơn”, GS Gerard 't Hooft nhấn mạnh.
Cũng tại buổi lễ, GS Finn Erling Kydland nhấn mạnh về mức độ tương tác kinh tế và khoa học mà các nước đã đạt được. Ông Finn Erling Kydland cho rằng nền kinh tế mỗi quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó khoa học công nghệ tác động rất lớn đến sự phát triển.
GS Finn Erling Kydland cũng kêu gọi các quốc gia muốn phát triển thì phải đầu tư cho trẻ em, thậm chí đầu tư ngay từ trong bụng mẹ. Trẻ em được đầu tư tốt thì sau này sẽ phát triển tốt hơn, qua đó thúc đẩy nền khoa học, kinh tế của đất nước phát triển tốt hơn.
Mang khoa học đến với công chúng
Theo GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, ngoài Hội thảo Khoa học để phát triển, chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 14 - năm 2018 sẽ có nhiều hội nghị quan trọng khác, trong đó có Hội nghị khoa học: Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ diễn ra vào tháng 8 tới, sẽ có 2-3 giáo sư đạt giải Nobel đến dự.
“Chúng tôi muốn mang khoa học đến với công chúng một cách rộng rãi và sâu sắc hơn. Hội Gặp gỡ Việt Nam sẽ mời các nhà khoa học quốc tế đến để giao lưu, trao đổi với các nhà khoa học Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức cho các nhà khoa học gặp gỡ với sinh viên, học sinh Việt Nam, nhằm hun đúc, khơi gợi tình yêu khoa học cho các bạn trẻ”, GS Trần Thanh Vân nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho rằng qua các kỳ Gặp gỡ Việt Nam được tổ chức tại ICISE đã mang lại nhiều hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và quảng bá hình ảnh cho tỉnh Bình Định nói riêng, cả nước nói chung.
“Ngay từ buổi ban đầu, cho đến nay và cả tương lai, tỉnh Bình Định luôn ủng hộ, đồng hành với Hội Gặp gỡ Việt Nam, ICISE và GS Trần Thanh Vân để tổ chức nhiều hơn nữa các hội nghị khoa học quốc tế, các hoạt động giáo dục, đào tạo chuyên đề để cùng nhau xây dưng ICISE Quy Nhơn trở thành điểm đến của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, trở thành điểm sáng của khoa học Việt Nam...”, ông Long nhấn mạnh.
Ngày 9.5, Hội thảo Khoa học để phát triển do Bộ KH-CN, UBND tỉnh Bình Định, Hội Gặp gỡ Việt Nam (thuộc Cộng hòa Pháp) và Viện nghiên cứu phát triển Pháp chi nhánh tại Việt Nam phối hợp tổ chức tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE - ở P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn, Bình Định) đã chính thức khai mạc. Đây là hội thảo kỷ niệm 25 năm thành lập tổ chức Gặp gỡ Việt Nam.
Hội thảo có khoảng 200 đại biểu là nhà khoa học, chính trị gia và doanh nghiệp phát triển trên nền tảng khoa học, công nghệ của quốc tế tham dự, trong đó có GS Finn Erling Kydland (người Na Uy, đạt giải Nobel Kinh tế 2004), GS Gerard 't Hooft (người Hà Lan, đạt giải Nobel Vật lý năm 1999) và ông Bertrand Lortholary, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam.
Hội thảo sẽ bế mạc vào chiều 10.5.
|
Bình luận