Tuy nhiên, trên một đất nước trải dài với các điều kiện kinh tế xã hội, dân cư khác nhau nhưng chính sách cho y tế cơ sở (YTCS) là giống nhau, do đó dẫn đến những bất cập trong quá trình vận hành. Ví dụ, xã có gần 100.000 dân thì số cán bộ y tế vẫn bằng xã có 10.000 - 30.000 dân. Số thuốc và trang thiết bị y tế, tiền lương, đầu công việc... đều như nhau; chỉ khác nhau nơi làm nhiều, nơi làm ít.
Một vấn đề đang được quan tâm hiện nay là chính sách đầu tư con người, tiền lương, cơ sở vật chất cho YTCS còn quá thấp, dẫn đến hệ thống YTCS phải tự "bơi" để nuôi bộ máy. "Bơi" ở đây là phải làm dịch vụ để tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên ngoài phần ngân sách đầu tư, chi trả, thì liệu rằng có bền vững? Điều này dẫn đến hệ quả là cán bộ YTCS, đặc biệt là phường, xã nghỉ việc ngày càng gia tăng và chưa có hồi kết. Nhiều cán bộ YTCS sau dịch Covid-19 đã xin chuyển nghề, vì quá áp lực với lượng công việc nhưng sự nhận lại không như mong muốn. Điều này đã được đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra tại kỳ họp 5 Quốc hội khóa XV.
YTCS được ví như tuyến đầu phòng bệnh, vậy phải làm sao cho YTCS lớn mạnh hơn cả hệ thống điều trị, để hệ thống điều trị "ế" bệnh? "Phòng bệnh hơn trị bệnh", do đó phải đầu tư cho YTCS tốt hơn nữa về cơ sở vật chất, con người, tiền lương, chế độ đãi ngộ, đào tạo, truyền thông... không để con người trong YTCS vừa cống hiến vừa "chạy cơm" như đang diễn ra.
Việc đầu tư cho y tế cơ sở cũng cần công bằng chứ không phải là cào bằng giữa các tỉnh, thành, khu vực. Nơi nào có dân số đông, mắc bệnh phức tạp, vùng sâu vùng xa thì đầu tư phù hợp. Cũng nên phân cấp, có chính sách mở cho các tỉnh tự quyết về mức đầu tư y tế cơ sở theo ngân sách, nội lực để phát triển cao hơn, nhằm đáp ứng yêu cầu của địa phương.
Bình luận (0)