Nhưng các hoạt động xúc tiến gần đây cho thấy, tham vọng của FLC không chỉ đơn thuần là dịch vụ, đó còn là chiến lược “vàng hóa” những tài sản tập đoàn đang sở hữu.
Ký thỏa thuận mua 24 máy bay A321NEO
Ngày 26.3, Tập đoàn FLC đã ký Biên bản ghi nhớ với Airbus đặt mua 24 máy bay A321NEO cho hoạt động của Hãng hàng không Bamboo Airways mà FLC đang trong giai đoạn thành lập. Thỏa thuận được ký kết tại Paris nhân chuyến thăm chính thức của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Pháp.
Theo kế hoạch mà FLC đã đặt ra cho mảng kinh doanh này, năm 2019, Bamboo Airways dự kiến sẽ đi vào hoạt động với các máy bay được thuê lại từ bên cho thuê thứ ba trước khi nhận các máy bay đặt mua. Hãng hàng không này sẽ tập trung kết nối thị trường quốc tế với các điểm du lịch tại Việt Nam, bên cạnh các đường bay trong nước.
Bamboo Airways hướng tới khai thác các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch Việt Nam, bao gồm các địa phương có dự án của FLC như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang… Bên cạnh đó là các đường bay trong nước, kết nối các điểm du lịch như đường bay Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Phú Quốc, Thanh Hóa - Nha Trang, Hải Phòng - Quy Nhơn... Chiến lược này nhằm làm giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng hàng không tại các thành phố lớn, đồng thời tăng cường liên kết vùng, nâng tầm du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Cũng theo Airbus, Tập đoàn FLC đã hoàn thiện việc đặt cọc và thanh toán bước đầu đối với hợp đồng mua 24 máy bay A321NEO, đặt tiền đề cho việc bàn giao và tiếp nhận máy bay phục vụ hoạt động của Bamboo Airways cho đến năm 2025.
Chiến lược “vàng hóa” tài sản của FLC
Bamboo Airways dù là câu chuyện mới, nhưng không phải là câu chuyện đầu tiên của Tập đoàn FLC về đề tài máy bay. Ít người biết rằng, từ năm 2012, ông Trịnh Văn Quyết đã đặt cọc tiền mua máy bay trực thăng và các tòa nhà FLC phát triển sau đó có tính đến phương án đặt sân đỗ trực thăng trên nóc.
Theo tính toán của ông Quyết, trực thăng sẽ giúp giải quyết các tình huống khẩn cấp và các tuyến di chuyển ngắn chưa có đường bay. Đặc biệt, dịch vụ trực thăng sẽ là điểm nhấn để nhằm gia tăng các dịch vụ tiện ích, giải trí cao cấp mà khách hàng có nhu cầu nói chung, du khách khi đến với các quần thể nghỉ dưỡng và sử dụng dịch vụ của FLC nói riêng.
Tuy nhiên, chiến lược kinh doanh này quá mới mẻ, nhất là trong bối cảnh những quy định cấp phép các chuyến bay trực thăng không thuận lợi cho nhu cầu xử lý tình huống khẩn cấp.
Câu chuyện đầu tiên mà mọi người có thể nhìn thấy trong chiến lược này, đó là phục vụ nhu cầu ngày một tăng của người dân khi di chuyển bằng phương tiện hàng không. Tình trạng ngày một quá tải tại các cảng hàng không lớn tại Việt Nam là một minh chứng rõ ràng nhất cho việc tăng lưu lượng hành khách qua kênh vận chuyển này. Và điều thú vị hơn nằm ở chính sự phát triển của lĩnh vực du lịch trong các năm qua, cũng như tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới.
Và chiến lược đầu tư vào hàng không được FLC kỳ vọng sẽ là một mũi tên trúng 2 đích lớn: Đáp ứng được nhu cầu đi lại của du khách và tăng cường khả năng kéo du khách trong nước cũng như quốc tế đến với các dự án nghỉ dưỡng mà Tập đoàn đã triển khai. Thanh Hóa và Bình Định, hai địa phương FLC đã có các quần thể nghỉ dưỡng biển lớn, đều trong tình trạng quá tải chuyến bay vào dịp nghỉ lễ, cuối tuần, số chuyến đến các địa phương tăng mạnh kể từ khi dự án của Tập đoàn đi vào hoạt động… cho thấy, nếu FLC tự khai thác trọn gói, có thể cơ hội thu lời "kép" sẽ còn lớn hơn nữa. Khi đó, các dự án của FLC sẽ được nâng giá trị lớn hơn nhiều so với hiện nay. Đó sẽ là lợi ích lớn mà tập đoàn nhận được từ chiến lược “vàng hóa” các tài sản đang có.
Bình luận (0)