Đầu tuần tới Cục An toàn thực phẩm công bố kết quả xét nghiệm nước mắm

22/10/2016 10:52 GMT+7

Hàng loạt mẫu nước mắm đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm tại 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm xác định có hay không thành phần asen gây độc.

Ngày 22.10, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, đã có kết quả xét nghiệm nước mắm, sau khi Hội bảo vệ người tiêu dùng (VINASTAS) thông báo về một số sản phẩm bị nhiễm asen; ngay trong tuần tới sẽ công bố kết quả về chất lượng nước mắm do cục này tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trong tuần qua.
“Hiện chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan thẩm quyền, người tiêu dùng không nên hoang mang về chất lượng nước mắm. Các sản phẩm được cơ quan quản lý cấp phép lưu hành đúng như hồ sơ công bố là sản phẩm an toàn. Các chỉ tiêu về vi sinh, kim loại đã được quy định rõ trong tiêu chuẩn về nước mắm, buộc các cơ sở phải chấp hành để được phân phối trên thị trường”, ông Phong khẳng định.
“Hơn 200 mẫu nước mắm đã được lấy để xét nghiệm. Kết quả đã cơ bản hoàn thành, chắc chắn sẽ công bố trong đầu tuần tới. Các xét nghiệm trên nhằm làm rõ có hay không "nước mắm hóa chất” và nước mắm chứa asen độc hại”, ông Phong nói.

tin liên quan

Kiến nghị làm rõ thông tin nước mắm chứa asen vượt ngưỡng
Sáng 20.10, tại TP.HCM, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp (DN) sản xuất nước mắm truyền thống sau khi Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (VINASTAS) công bố nước mắm nhiễm asen (thạch tín).
Ông Phong cho biết, cục này cũng đã có văn bản đề nghị VINASTAS gửi báo cáo kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc trong đó có các nội dung về quy trình lấy mẫu, phương pháp thử… Kết quả trên đã được VINASTAS thông tin đến cơ quan báo chí trong tuần qua.
Theo quy định của Bộ Y tế về lấy mẫu thực phẩm phục vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, việc lấy mẫu phải có ít nhất 3 mẫu, trong đó 1 mẫu lưu tại cơ sở được lấy mẫu, 1 mẫu đoàn kiểm tra sẽ lưu lại và 1 mẫu đưa đi xét nghiệm. Các mẫu này đều phải được niêm phong và có sự xác nhận của chủ cơ sở cũng như đại diện đoàn kiểm tra.
Theo ông Phong, khi có kết quả kiểm nghiệm lần đầu mà chủ cơ cở không chấp nhận, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục kiểm nghiệm lần 2 trong số mẫu lưu. Trường hợp có tranh cãi thì sẽ phải thực hiện mẫu tại đơn vị độc lập có đủ năng lực xét nghiệm.
“Việc bảo quản các mẫu thực phẩm kiểm nghiệm này được thực hiện giống nhau. Lấy mẫu đúng quy trình đảm bảo tính khách quan, cho kết quả trung thực. Đơn vị kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về thực phẩm phải đủ năng lực, được Bộ Y tế chỉ định”, ông Phong lưu ý.
Ông Phong cho rằng, không chỉ riêng nước mắm, với tất cả các xét nghiệm mẫu thực phẩm, việc công bố các sản phẩm vi phạm chỉ được thực hiện khi các mẫu được lấy đúng nguyên tắc, xét nghiệm theo quy trình chuẩn nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và ổn định sản xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.