Đầu vào trường sư phạm phải trên 20 điểm

12/08/2017 10:01 GMT+7

Đây là một trong những đề xuất của các đại biểu tham gia hội nghị tổng kết năm học của các trường ĐH khi lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định phải rà soát, xây dựng lại mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và nguồn lực đội ngũ giáo viên.

Tại hội nghị, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết quyết tâm thực hiện việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và trường sư phạm một cách căn cơ, có tính đến yếu tố thị trường và xu hướng phát triển ĐH trên thế giới, tránh cứng nhắc và tùy tiện. Hiện nay đa phần các trường đào tạo đơn ngành, quy hoạch cần có tính định hướng để các trường liên kết với nhau trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm và lợi ích, hướng tới việc đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời hình thành ngày càng nhiều trường chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Ông Nhạ nói: “Đây là việc khó nhưng không thể không làm. Các trường phải bắt tay nhau để làm quy hoạch vì lợi ích của mỗi trường và vì sự phát triển chung của giáo dục ĐH, phải làm sao để sang năm nhìn lại, quy hoạch giáo dục ĐH đã có một bước tiến dài”.
Khai tử những trường “chết lâm sàng”
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, nhiều trường vẫn chưa quan tâm đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo để đáp ứng quy mô tuyển sinh. Đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên cơ hữu, chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn. Nguồn lực tài chính phân tán, chưa đầu tư cho việc nghiên cứu, dự báo thị trường nên các ngành đào tạo còn trùng lặp, chồng chéo trong một địa bàn.
Nhiều trường có ngành đào tạo giáo viên
Hiện nay có 58 trường ĐH, 57 trường CĐ, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên. Trong đó có 14 trường ĐH sư phạm, 33 trường CĐ và 2 trường trung cấp. Tổng quy mô ĐH là 1.767.879 sinh viên (tăng 0,8% so với năm học 2015 - 2016), quy mô CĐ 47.800 sinh viên (giảm 14,3%).
Vì thế, nhiệm vụ chủ yếu hàng đầu cho năm học tới được Bộ GD-ĐT đặt ra là rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và đào tạo giáo viên. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ sẽ sử dụng các công cụ quản lý nhà nước như công khai, minh bạch thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả đầu ra, kiểm định chất lượng và quy chuẩn đảm bảo chất lượng để định hướng đầu tư cũng như tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở trong hệ thống cho phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước.
Nhiều đại biểu đã bày tỏ sự tán đồng với chủ trương trên của Bộ. “Cần đẩy nhanh việc thực hiện việc quy hoạch này, bởi nó sẽ giúp chúng ta có một bức tranh toàn cảnh theo chiều sâu của giáo dục ĐH VN”, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ.
Ông Lương Công Nhớ, Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải, cũng nhận định đã đến lúc phải khẩn trương quy hoạch lại sau một giai đoạn ồ ạt xây dựng các trường. Ông Nhớ cho biết: “Thực chất hiện nay đã có những trường “chết lâm sàng” rồi nên chúng ta giúp họ khai tử mới là “nhân đạo”, bởi như thế đỡ tốn tiền ngân sách cho một số tỉnh, hoặc giúp các nhà đầu tư đỡ phí tiền của. Chúng ta cần giúp họ sớm thu hồi vốn cho nhà nước, cho cả cá nhân, để tiền đó dùng vào việc khác. Còn các cơ sở ấy thì nhập vào những cơ sở đủ mạnh”.
Bộ sẽ đề xuất điều chỉnh ưu tiên khu vực trong xét tuyển
Liên quan tới ưu tiên khu vực khi xét tuyển, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng đây là một chủ trương tốt, nhân văn, không chỉ biểu hiện ở việc xét tuyển ĐH mà còn song hành với người học trong suốt quá trình đào tạo, ra trường có chính sách ưu đãi thu hút người lao động đến phục vụ ở các địa phương có hoàn cảnh kinh tế - xã hội còn khó khăn. Tuy nhiên thực tế phát triển đã khiến tình hình thay đổi, sự chênh lệch giữa các khu vực đã được kéo gần lại nên cũng cần phải có điều chỉnh cho phù hợp. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ khảo sát thực tế để có đề xuất điều chỉnh phù hợp với các khu vực.
Cân nhắc việc mở khoa, trường sư phạm
Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng cho biết ông rất ấn tượng với nhiệm vụ rà soát, quy hoạch lại mạng lưới ĐH mà Bộ GD-ĐT đặt ra.
“Tập trung đầu tư thì không thể dàn trải được. Nếu bình quân chủ nghĩa mãi thế này sẽ không có trường đỉnh cao”, ông Minh nói. Riêng việc quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm, ông Minh đề xuất: “Phải tập trung vào nghiên cứu về dân số, về quy mô, độ tuổi, phân bố địa lý, về dự báo số lượng của nguồn nhân lực. Nghiên cứu mô hình, chương trình, cách thức, có trọng tâm trọng điểm và đánh giá năng lực của từng trường. Từ đó có nguồn lực để tập trung xây dựng”.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt, khuyến nghị Bộ cân nhắc kỹ lưỡng và có trách nhiệm việc mở các trường sư phạm, khoa sư phạm. “Chẳng hạn vùng 3 Tây (Tây nguyên, Tây Bắc, Tây Nam bộ - PV) chỉ cần một loại hình trường ĐH sư phạm, trong đó có đào tạo trình độ CĐ. Còn như bây giờ có trường ĐH sư phạm rồi lại thêm CĐ sư phạm, chồng chéo lẫn nhau”, ông Hòa đề xuất.
Ông Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, đề xuất: “Các tỉnh thành, nhất là các sở GD-ĐT đều biết số lượng, nhu cầu dự báo nguồn nhân lực sư phạm. Vì thế khi giao chỉ tiêu cho các trường sư phạm thì Bộ cần phải giao cho phù hợp với nhu cầu, tránh tình trạng sinh viên đào tạo ra không có việc làm, việc tuyển dụng lại khó khăn. Đây là nguyên nhân khiến thí sinh không tha thiết với ngành sư phạm”.
Ông Nam đề xuất: “Nhà nước đã miễn phí cho ngành sư phạm thì xem như nhà nước là nơi đặt hàng nên có quyền yêu cầu đầu vào các trường sư phạm phải đạt ngưỡng đầu vào, chẳng hạn như phải trên 20 hay 22 điểm”.

tin liên quan

Hơn 100.000 thí sinh không xét tuyển cũng đóng lệ phí!
Có tới hơn 100.000 thí sinh đã đóng lệ phí đăng ký xét tuyển nhưng không đủ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào không được hoàn lại tiền dù không tham gia xét tuyển. Số tiền này gộp lại không nhỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.