Dấu xưa mùa nước nổi - Kỳ 5: Miền Tây thiếu nước

15/10/2013 00:00 GMT+7

Miền Tây với sông rạch chằng chịt cùng mùa nước nổi mênh mông nhưng lại đối diện nguy cơ thiếu nước ngọt. Chuyện nghe như đùa.

>> Dấu xưa mùa nước nổi - Kỳ 4: Lịch sử nghề cá bè
>> Dấu xưa mùa nước nổi - Kỳ 3: Truyền thuyết lúa ma, lúa nổi

 Miền Tây trong tương lai sẽ thiếu nước? - d
Miền Tây trong tương lai sẽ thiếu nước? - Ảnh: T.D


Ngóng mùa nước nổi

Đúc kết lại mùa nước nổi dân gian có câu “tháng bảy nước nhảy khỏi bờ” nhưng bây giờ tháng 7 đã qua lâu rồi mà nước vẫn đứng im. Nước không nhảy nên mực nước đo được trên đầu nguồn sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc chỉ ở mức báo động 1.

Nước nhỏ đi đâu cũng nghe tiếng thở dài một mùa thất bát. Xóm lưỡi câu Mỹ Hòa, TP.Long Xuyên lớn nhất miền Tây với hàng trăm hộ sống bằng nghề làm lưỡi câu than những mùa nước lớn lưỡi câu tiêu thụ mạnh nên giải quyết việc làm cho hàng ngàn nhân khẩu, còn năm 2012 và năm nay nước nhỏ cá tôm ít nên lưỡi câu bán ế nhệ, nhiều người phải bỏ nghề tìm hướng khác mưu sinh.

Nước nhỏ ngư dân biết lượng cá tôm ít đã không mua các dụng cụ bắt cá nên tác động dây chuyền đến xóm làm xuồng ghe, lưới, lọp bắt cua cá các huyện An Phú, Châu Phú, TX.Tân Châu... Nước nhỏ các hộ nuôi cá bè, tôm càng xanh sốt ruột vì như thế cá tôm nuôi không hưởng được dòng nước mát sẽ chậm lớn, hay bệnh.

Ngày xưa người già tính rất đơn giản cứ 3 năm nước nhỏ sẽ kèm theo một năm nước lớn. Nhưng cách tính này đã bị phá vỡ trong những năm gần đây. Cụ thể năm 2011, khi nước nổi về ai cũng hồ hởi cho rằng năm này là lũ đẹp. Rồi giữa tháng 9 thình lình nước dâng cao hơn 4 m khiến ai cũng kinh hồn trước lũ xấu.

Đầu mùa nước nổi này chẳng ai dám chắc lũ thế nào. TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ), cho biết thật ra quan niệm 3 năm lũ nhỏ sẽ có 1 năm lũ lớn là tính theo trung bình. Điều này không còn đúng nữa vì sự bất thường của thời tiết và các hoạt động của con người làm đặc điểm dòng chảy không còn như xưa nên dự đoán ngày càng không chắc chắn. TS Tuấn nói lũ “đẹp” là lũ lớn vừa phải mang nhiều nguồn cá và phù sa. Lũ nhỏ (như lũ năm 2010, 2012) hay lũ quá lớn (như lũ năm 2000, 2011) đều là lũ “xấu”.

Theo tính toán, hằng năm lũ đem về một lượng phù sa cực lớn bù lún và tăng độ phì nhiêu cho đồng bằng. Thế nhưng những năm gần đây do xây đựng đê bao khép kín nên phù sa vào ruộng đồng hạn chế. Vậy phù sa sẽ đi đâu? Theo TS Tuấn, đê bao khép kín nhiều thì phù sa sẽ không vào đồng ruộng mà bị dòng chảy mạnh (do bị co hẹp nên tốc độ nước cao hơn) đẩy xa ra biển Đông khiến việc bù đắp lún sẽ giảm lại và sạt lở tăng lên.

Ngoài ra nước nổi về mang theo cá tôm nhưng đụng bức tường đê bao cá không vào được, số thì bị trôi ra biển chạm luồng nước mặn chết, số bị nước đánh trôi dạt cùng với việc đánh bắt tràn lan nên tỷ lệ cá tôm sống rất thấp. Biểu đồ khai thác thủy sản ngày càng đi xuống, cụ thể năm 2001 sản lượng khai thác thủy sản đạt 96.570 tấn thì năm 2005 chỉ được 51.329 tấn, đến năm 2010 khai thác trên 37.209 tấn và năm 2012 chỉ trên 11.000 tấn. Với nhóm cá đen, đồng ruộng không còn ngập nước, đìa cá thu hẹp dần, chúng không còn chốn dung thân nên chuyện khai thác cá đồng đã là chuyện xưa.

Nguy cơ thiếu nước

Mới đây, tại diễn đàn Dòng sông Mê Kông trong tương lai: Mối quan tâm của người dân về phát triển thủy điện do Viện Sinh thái học miền Nam, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, Trường ĐH An Giang phối hợp tổ chức ở An Giang, TS Dương Văn Ni, Trường ĐH Cần Thơ đưa ra cảnh báo những đập thủy điện từ thượng nguồn không những khiến giảm sút lượng cá tôm tự nhiên mà còn làm giảm dòng chảy xuống hạ lưu và vì thế sẽ thiếu nước ngọt.

Ông Ni phân tích để làm được 1 kg gạo, phải dùng gần 4.500 lít nước, trong khi đó khu vực ĐBSCL mỗi năm làm ra 24 triệu tấn lúa thì nhân ra phải cần một lượng nước khổng lồ. Tại diễn đàn, ông Hoàng Kim, nông dân tỉnh Đồng Tháp lo lắng người dân và nhà nông chưa có thói quen biết cách tiết kiệm nước trong sinh hoạt và tưới tiêu. Theo ông, cụ thể khi bơm nước vào ruộng luôn bơm dư và lượng nước thừa này nếu cộng dồn các cánh đồng lại sẽ hao phí lớn. Ông Kim nói: “Về mặt lâu dài, các đập thủy điện từ thượng nguồn Mê Kông làm miền Tây bị ảnh hưởng thiếu nước nghiêm trọng, như thế việc trồng lúa, hoa màu, nuôi thủy sản đối diện biết bao khó khăn, từ bây giờ nên chăng tính tới bảo tồn nước như xây dựng các đập ở đầu nguồn để điều tiết lưu lượng dòng chảy”.

Các đại biểu phân tích thiếu nước ngọt miền Tây sẽ bị xâm mặn gây khó khăn cục bộ trong hoạt động sản xuất. Thực tế gần đây đã có hiện tượng xâm mặn ở H.Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ) và H.Thoại Sơn (An Giang)... Ảnh hưởng nặng nề nhất là Tứ giác Long Xuyên bởi vùng đất này khô hạn và từng bị nhiễm phèn nặng. Ở vùng này thiếu nước tưới và phù sa cây lúa khó phát triển tốt. Một cán bộ Trường ĐH Cần Thơ cho biết để đối phó thiếu nước trong tương lai và xâm mặn, nên chăng tính tới chuyện xây dựng các ao, đìa rộng lớn trong các cánh đồng. Nó vừa có tác dụng trữ nước vừa dẫn dụ nuôi cá đồng, tăng thu nhập đáng kể vì giá cá đồng khá mắc. Khi thiếu nước tưới tiêu cho cây lúa, hoa màu sẽ dùng đến lượng nước trữ này...

Nói về vấn đề thiếu nước, TS Lê Tuấn Anh cho rằng đây là một vấn đề khó, trước mắt phải đẩy mạnh đàm phán với các nước thượng nguồn về việc giảm hoặc ngưng phát triển thủy điện. Phía ta phải có những vùng trữ nước ngọt ở các vùng trũng, các vùng đất ngập nước, bổ cập nước ngầm và tăng cường trữ nước mưa. Mặt khác, cần khuyến khích các biện pháp tiết kiệm nước trong sản xuất và sinh hoạt.

Thanh Dũng

>> Chợ 'độc' mùa nước nổi
>> Đặc sản mùa nước nổi
>> Mưu sinh mùa nước nổi
>> Du lịch “bụi” mùa nước nổi
>> Du lịch mùa nước nổi hút khách
>> Khám phá mùa nước nổi  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.