Chòi hàng 0 đồng nhỏ xíu, chỉ khoảng 2 m2 của chị Lành (40 tuổi) nằm bên lề đường Nguyễn Bình (H.Nhà Bè, TP.HCM), được cộng đồng mạng đặt biệt danh là "nhỏ nhất TP.HCM". Mái tôn nhỏ xíu che vừa đủ 2 sào quần áo là điểm "mua sắm" của hàng chục người dân mỗi ngày. Có lúc được nhà hảo tâm tặng đồ chơi trẻ em, xoong nồi, sách vở…, chị Lành kê thêm cái bàn nhỏ cạnh bên.
Chòi hàng 0 đồng nhỏ nhất TP.HCM: Ai cũng có thể làm người thiện
"Không có tiền thì làm người thiện"
Chị Lành về xã Nhơn Đức (H.Nhà Bè) sinh sống được 4 năm. Thấy ở đây còn nhiều mảnh đời khó khăn, thiếu thốn, chị quyết định "không có của thì sẽ giúp công". Đầu năm nay, chị bàn với chồng mắc sào rồi treo quần áo của gia đình, bạn bè tặng tạo thành gian hàng 0 đồng để giúp mọi người. Những bộ quần áo cũ nhưng thiết thực với nhiều người, chị Lành duy trì hoạt động bằng cách lên các hội nhóm mạng xã hội xin hỗ trợ.
"Ban ngày đi làm, tối về tôi phụ vợ đi chở quần áo cũ người ta cho, có điểm cách nhà mấy chục cây số vẫn ráng đi", anh Trương Đăng Chung, chồng chị Lành, cho hay.
Ban đầu, gian hàng chỉ vỏn vẹn có 1 cây sào để treo quần áo. Chị Lành ở nhà vừa chăm con nhỏ, vừa duy trì hoạt động của gian hàng, sáng 7 giờ đem ra, tối 22 giờ lại dọn vào. Mới đây, chị quyết định nâng cấp thêm mái che, chòi tạp hóa cũng mở xuyên đêm, phục vụ thêm những ai đi sớm về khuya.
"Ai có gì góp đó, ai cần gì lấy đó. Người có tiền thì đi làm nhiều việc thiện, tôi không có tiền thì góp ít công sức làm người thiện", chị Lành chia sẻ.
PV Thanh Niên gặp ông Võ Văn Phương (47 tuổi, ở H.Nhà Bè) làm nghề thợ sơn, trên đường đi làm về ghé chòi hàng và "sắm" rất được nhiều quần áo. Ông Phương xúc động chia sẻ: "Khoảng 4 năm rồi tôi không mua sắm gì. Hổm rày làm ăn khó khăn quá, nhờ biết tới gian hàng của chị Lành nên có thêm quần jeans, áo sơ mi, áo thun để mặc đi làm, đi chơi. Những bộ đồ này đẹp thiệt. Tôi lấy vừa đủ thôi, vì sợ lấy nhiều về chưa mặc tới thì phí lắm, nhiều người muốn mặc mà không có. Cảm ơn chị Lành rất nhiều!".
Lan tỏa tinh thần thiện nguyện
Chòi hàng được nhắc đến nhiều trên mạng xã hội khi mọi người truyền tai nhau, kêu gọi cùng góp sức "khuếch trương" tên tuổi của "dự án" này.
Được nhiều người biết đến, chị Lành cũng nhận thêm sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm khắp nơi. Hiện tại, vợ chồng chị không cần ngược xuôi chở hàng thường xuyên nữa. Thay vào đó, mọi người chủ động gửi hàng đến liên tục, có khi còn phụ thêm phí vận chuyển.
Có người chưa gặp chị Lành ngoài đời nhưng tháng nào cũng gửi đến một lô áo thun xịn, các anh công nhân rất "hảo" mặt hàng này. Vì thế, chị Lành tâm niệm sẽ cho đi mà không giới hạn số lượng. Thậm chí, "khách hàng" muốn đặt trước cũng có. Nguồn hàng không chỉ đến từ mạng xã hội mà còn từ chính tấm lòng của người dân địa phương.
"Nhiều người tới xin món đồ đó mà tôi không có thì sẽ để lại số điện thoại. Khi nào tôi xin được thì sẽ liên hệ lại, tôi chiều khách tới cùng", chị nói.
Bà Huỳnh Phượng (47 tuổi), hàng xóm của chị Lành, cho biết chòi tạp hóa rất đắt khách. Có khi buổi sáng vừa treo quần áo đầy sào thì đến trưa đã hết sạch. Số lượng người đến chọn lựa đồ nhiều nên không tránh khỏi việc xáo trộn, làm rơi quần áo khỏi móc… Hay những lúc trời mưa lớn tạt vào làm ướt đồ. Những lần như vậy, mọi người sống gần đây không ai bảo ai, chủ động đến phụ sắp xếp lại.
"Trước đây, quần áo của gia đình không dùng đến không biết gửi tặng ai, nhờ gian hàng mà mọi người có nơi để gửi gắm. Chưa hết, vào các dịp lễ, ngày rằm… chị Lành còn cùng bạn bè nấu bữa trưa, đóng hộp sẵn đặt ở chòi hàng để người có nhu cầu ghé lấy", bà Phượng nói.
Dẫu là tiệm tạp hóa 0 đồng bé nhỏ nhưng ở đây chứa đựng tình cảm, công sức của rất nhiều người. Người dân nơi đây còn cho biết, gian hàng giúp lan tỏa tinh thần thiện nguyện đến bà con địa phương.
"Tôi cảm thấy rất biết ơn các nhà hảo tâm đã đồng hành. Tôi chỉ có tấm lòng và chút công sức nho nhỏ thôi nhưng nhận được nhiều sự hỗ trợ để gian hàng luôn đầy ắp. Thấy nụ cười, niềm vui của người dân khi đến đây là tôi thấy hạnh phúc rồi", chị Lành cho hay.
Bình luận (0)