Đó là những cử chỉ, tác phong không quá to tát như: biết xếp hàng khi đến sau, không xả rác, tôn trọng người lớn tuổi, biết giúp đỡ người già, phụ nữ, trẻ em, biết cám ơn khi nhận sự giúp đỡ từ người khác và biết xin lỗi khi làm sai, trễ hẹn… Chị Thi Xuân, người từng du học ở Malaysia chia sẻ: “Trong lớp học nếu có bạn bị tàn tật, cô giáo dạy học trò phải biết chia sẻ, yêu thương chứ không được có thái độ cười cợt, trêu chọc bạn”. Chị Mai Phương, nhà ở Q.5, TP.HCM có chồng là người Thái Lan kể: “Vợ chồng tôi luôn dạy cho các bé phải biết cư xử lịch sự nơi công cộng, chẳng hạn không cười to, ngáp phải che tay, không thở dài, không giành giật, không xả rác… Cháu chỉ mới 5 tuổi nhưng khi đi du lịch đến một bãi biển mà cháu tìm mãi không thấy thùng rác đâu, bèn bỏ rác vào một bao nylon sạch rồi mượn túi của mẹ nhét vào.
|
Chị Hồng Hải có con học lớp 3 tại trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.9, TP.HCM tâm sự: “Mình thấy trẻ được học môn đạo đức từ năm lớp 1 nhưng chỉ thuần về lý thuyết. Trong khi ở nước ngoài, khi học một bài học về đạo đức, quy tắc ứng xử… giáo viên sẽ đưa ra hành vi, sự việc, gợi mở cho học sinh kết luận hành vi đó là đúng hay sai, cách cư xử đó phù hợp hay chưa phù hợp, sau đó cô giáo sẽ rút ra kết luận”. Chị Hải kể thêm, con trai của chị vẫn được dặn khi ăn kẹo cao su xong thì gói bằng giấy bạc và để vô thùng rác. Tuy nhiên, ngay sau đó ra đường, cậu bé nhìn thấy một bác lớn tuổi khạc nhổ ngay trước mũi xe, một chị vứt chai nước từ xe buýt xuống đường… Tất cả đều diễn ra quá thản nhiên, khiến trẻ có thể nghi ngờ lời dạy của mẹ.
Chuyên gia tâm lý, tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn nhận định: “Việc dạy về lối sống và hành xử văn minh cần được thực hiện một cách bài bản, chế tài nghiêm ngặt và sự ý thức cao độ. Lỗ hổng có thể xuất phát từ chính một số gia đình và trường học... Khi chưa khắc sâu tất cả những giá trị ứng xử văn minh và nhân văn, trẻ em khó có thể hình thành nếp nghĩ và thói quen hành động”. Để giải quyết vấn đề trên, tiến sĩ Sơn cho rằng: “Cần có những chiến lược hành động mang tầm quốc gia: chế tài nghiêm khắc, chương trình giáo dục đồng bộ...”.
Mỹ Quyên
Bình luận (0)