Dạy đạo đức bằng... định luật Newton

13/04/2015 06:17 GMT+7

Nội dung buổi nói chuyện với những người trẻ về đạo đức, tất cả đều bắt nguồn từ những quy luật, hiện tượng vật lý, những câu chuyện nhân văn từ cuộc sống hiện đại.

Nội dung buổi nói chuyện với những người trẻ về đạo đức, tất cả đều bắt nguồn từ những quy luật, hiện tượng vật lý, những câu chuyện nhân văn từ cuộc sống hiện đại.

Tiến sĩ Nguyễn Đông Hải tại buổi nói chuyện chuyên đề về đạo đức - Ảnh: Minh LuânTiến sĩ Nguyễn Đông Hải tại buổi nói chuyện chuyên đề về đạo đức - Ảnh: Minh Luân
Đó là những điều thú vị thu hút đông đảo sinh viên khối ngành sư phạm tham gia buổi nói chuyện chuyên đề “Vật lý - Phép ẩn dụ của cuộc sống” của tiến sĩ Nguyễn Đông Hải (giảng viên Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) và một số giáo viên trường THPT ở TP.HCM vào tối 10.4, tại một quán cà phê ở Q.10, TP.HCM.

Hãy chớ vội tin…
Cái gì cũng có sự tác động ngược lại. Khi ta gieo gió thì ắt gặt bão, ở hiền thì gặp lành
Tiến sĩ Nguyễn Đông Hải
Bắt đầu buổi nói chuyện, tiến sĩ Nguyễn Đông Hải cho biết: “Đối với nhiều giáo viên vật lý, họ thường dạy cho học sinh nội dung liên quan đến chuyên môn. Nghĩa là chúng ta chỉ dạy vật lý chứ chưa dạy đạo lý cho học sinh”.

Ông cũng cho rằng người giáo viên cũng cần phải dạy cho học sinh những kỹ năng xác minh thông tin, đừng phán xét hay nhận định một chiều trước những tin đồn, thậm chí là những điều mình “mắt thấy tai nghe”.

“Khi chúng ta nhìn thấy các clip trên mạng, nghe các thông tin xung quanh, chúng ta đừng vội tin, vì đó có thể là những thông tin một chiều, thiếu hoặc không chính xác. Điều cần thiết là chúng ta cần phải kiểm chứng lại”, tiến sĩ Nguyễn Đông Hải nói với bạn trẻ.

Việc lồng ghép kiến thức vật lý vào dạy đạo đức cho người trẻ, tiến sĩ Hải còn dẫn chứng cách dùng định luật III Newton để nói về luật nhân quả. Theo đó, định luật III Newton nêu rằng: khi hai vật A và B tương tác, thì lực do A tác dụng lên B bằng về độ lớn với lực do B tác dụng lên A, nhưng hai lực tác dụng ngược chiều nhau. “Cái gì cũng có sự tác động ngược lại. Khi ta gieo gió thì ắt gặt bão, ở hiền thì gặp lành”, tiến sĩ Hải ví von.
 Nhiều sinh viên đã rớm lệ trước những câu chuyện được nêu ra tại buổi nói chuyện Nhiều sinh viên đã rớm lệ trước những câu chuyện được nêu ra tại buổi nói chuyện
Tiến sĩ Hải cũng dẫn chứng bằng hình ảnh những miếng gỗ xếp thẳng đứng, thành hình tròn, điểm nối là con người. Theo đó, khi người này xô ngã miếng gỗ đầu tiên, sự tác động lực sẽ đẩy đổ dần các miếng ván còn lại, và miếng cuối cùng sẽ đè lên người dùng lực tác động vào miếng gỗ trước đó. “Ở các lễ hội, người ta thường làm mọi cách, tranh giành… với hy vọng được phúc, mà nhiều khi họ quên rằng để được phúc trước tiên ta phải làm phúc và tạo phúc”, ông Hải nói thêm.

Ông Hải còn vận dụng các bài học vật lý như: “Sự cân bằng trên mặt chân đế” (vật càng cân bằng vững vàng trên mặt chân đế, nếu như trọng tâm của nó càng thấp) để liên hệ đến bản ngã của con người (trong cuộc đời, người bản ngã càng lớn thì càng khó thành công; người có bản ngã nhỏ có thể đứng vững trước những hào nhoáng danh vọng, cạm bẫy cuộc đời). Hay vận dụng bài học “ngẫu lực” để nói về tình mẫu tử…

Đặc biệt, người tham dự những buổi nói chuyện chuyên đề của tiến sĩ Hải hoàn toàn miễn phí hoặc có thể đóng góp tiền tùy ý để “nuôi heo đất”, nhằm giúp cho các hoạt động cộng đồng như: xây nhà tình thương, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn…

Những câu chuyện ngoài đời

Cũng tại buổi nói chuyện chuyên đề này, ông Trần Tuấn Anh, giáo viên giáo dục công dân Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM, chia sẻ về phương pháp dạy đạo đức cho học sinh hiệu quả. Điển hình như khi nói về tình mẫu tử, ông dẫn chứng chuyện hai vợ chồng ông Lê Thanh Tuấn (Phú Yên) đã lóc da mình để ghép da cứu con gái bị bỏng toàn thân (vụ việc xảy ra tại tỉnh Phú Yên vào năm 2009). Hay như câu chuyện về cậu học trò nghèo Phạm Nguyễn Thành Trung, vì mong ước có được máy tính, nhưng thấy cha mẹ nghèo khó nên cậu đã dành dụm tiền đồng (28 kg tiền xu, với 16,2 triệu đồng) để mua máy.

Ông Tuấn Anh còn chia sẻ: “Âm nhạc và hình ảnh rất cần thiết và tạo hiệu ứng tốt nếu như người dạy biết cách vận dụng, kết hợp hài hòa”.

Tiếp đến, thạc sĩ Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (Q.Tân Phú, cũng là diễn giả của chương trình) đã dẫn chứng bằng câu chuyện cụ thể về Khổng Tử trong thời Đông Chu…

Theo ông Hiếu: “Muốn nâng trẻ lên thì người lớn phải cúi xuống với trẻ. Người lớn từng là trẻ thơ, nên chắc chắn phải hiểu trẻ thơ. Còn trẻ thơ chưa phải hoặc chưa qua thời kỳ của người lớn thì làm sao hiểu được người lớn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.