Điều này không những không phù hợp với đặc trưng tinh thần mở của chương trình và sách giáo khoa mới mà còn gây ra khó khăn, quá tải cho chính giáo viên và học sinh trong việc dạy và học.
Giáo viên "độc giảng" nhiều do sợ học sinh không hiểu hết văn bản!
Mẫu giáo án mới soạn theo hướng dẫn Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH khiến cho giáo viên phải mất nhiều thời gian đầu tư biên soạn. Hệ quả là kế hoạch bài dạy của khối lớp nào cũng dày cộm gần đến 400-500 trang. Mỗi lần lên lớp dạy, giáo viên hay nói vui là phải... "đèo" giáo án đến lớp. Trong khi đó, theo quy định, giáo án có tính khuôn mẫu, gồm nhiều phần mang tính hình thức, quá rườm rà, không cần thiết. Tuy vậy có rất ít trường mà tổ bộ môn ngữ văn chủ động gọt bỏ phần này.
Nhiều giáo viên, nhất là những thầy cô đã nhiều năm dạy môn văn theo chương trình cũ 2006, trong mỗi tiết dạy có thói quen cố gắng chuyển tải hết nội dung tư tưởng của tác phẩm và những đặc sắc về nghệ thuật. Cùng với đó là do sợ học sinh không hiểu hết văn bản nên giáo viên vận dụng phương pháp phân tích, giải giảng quá nhiều. Điều này gây quá tải cho học sinh và không phù hợp với cách dạy học theo hướng đổi mới, lấy học sinh làm trung tâm.
Về đề kiểm tra đánh giá, đây là khâu quan trọng, được bàn luận nhiều và được thực tế hóa đưa vào áp dụng cho 2 năm qua ở lớp 10, 11 trong các đợt đánh giá thường xuyên, định kỳ. Tuy vậy, cách ra đề thi ở một số trường thỉnh thoảng vẫn còn nhiều chỗ chưa phù hợp, như văn bản quá dài, hoặc không phù hợp mục đích giáo dục cho đối tượng học sinh, hoặc cách yêu cầu của các câu hỏi chưa phù hợp... Hoặc cũng có thể do các tổ bộ môn ngữ văn quá cứng nhắc, khuôn mẫu, không chịu thoáng hơn theo tinh thần mở của chương trình, kể cả khâu kiểm tra.
Thực tế này dẫn đến hệ lụy là sau mỗi lần đánh giá, các tổ bộ môn đưa ra mổ xẻ những lỗi sai của đề thầy A, cô B. Làm cho khâu kiểm tra đánh giá ở nhà trường trở nên căng thẳng, nặng nề hơn.
Tác giả sách giáo khoa khuyên gì?
Trong các lần tập huấn cho giáo viên giảng dạy các bộ sách gồm lớp 10, 11 trước đây và lớp 12 vừa diễn ra, tinh thần chung của các tác giả sách giáo khoa muốn gửi đến giáo viên là cần nắm vững cốt lõi bản chất chương trình mới, phát huy cao độ sự chủ động của người dạy và sự "cởi trói" của tổ bộ môn ở trường.
Trước đây, TS Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thành viên biên soạn bộ Chân trời sáng tạo, đã từng nêu quan điểm: "Người dạy không nên quá máy móc, lệ thuộc hoàn toàn vào giáo án, tổ bộ môn không quá cứng nhắc khi dự giờ đánh giá. Giáo viên không nên áp dụng rập khuôn 4 kỹ năng (đọc, viết, nói, nghe) vào tất cả bài học, vì như thế dễ khiến học sinh cảm thấy nhàm chám, đơn điệu". Nếu giáo viên biết kết hợp các tiết học sẽ giúp việc dạy và học trở nên nhẹ nhàng, giảm áp lực.
TS Nguyễn Thành Thi, chủ biên sách giáo khoa ngữ văn lớp 11, bộ sách Chân trời sáng tạo, trong lần tập huấn sách giáo khoa năm ngoái cho giáo viên cũng nêu quan điểm: "Thành bại hay không trong việc giảng dạy môn ngữ văn của chương trình mới tùy thuộc vào sự linh hoạt và kỹ năng sáng tạo của giáo viên".
Trong buổi tập huấn sách giáo khoa lớp 12 vừa mới diễn ra vào sáng 30.7, TS Bùi Mạnh Hùng, tổng chủ biên sách giáo khoa ngữ văn 11, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, nêu ý kiến: "Về phương pháp, thầy cô tránh lạm dụng việc diễn giải, bình giảng; tất nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bỏ hẳn việc diễn giải, bình giảng. Không nên chuyển từ cực đoan này sang cực đoan khác mà cần phải hài hòa. Không sa vào lối dạy cung cấp kiến thức chuyên sâu, gây quá tải cho người học".
Trước đó, trong buổi tập huấn sách giáo khoa ngữ văn lớp 12 cho giáo viên toàn quốc diễn ra vào ngày 23.7, đại diện cho nhóm tác giả biên soạn sách giáo khoa bộ Cánh diều cũng đã khuyên giáo viên: "Đừng sợ học sinh thiếu hụt kiến thức trong bài học mà quá ôm đồm, gây quá tải cho học sinh. Thầy cô chỉ cần bám sát phần tri thức ngữ văn của bài học và cho học sinh tìm hiểu theo các yêu cầu tri thức đó là đủ".
Về việc dạy chuyên đề môn ngữ văn, tác giả bộ Cánh diều gợi ý cho giáo viên: "Có thể linh hoạt việc dạy học chuyên đề ngữ văn trong năm học khi xây dựng kế hoạch dạy học của tổ bộ môn. Chẳng hạn chia 3 chuyên đề trong một năm ra thế nào cho hài hòa giữa học kỳ 1 và 2. Cũng có thể xây dựng kế hoạch dạy học theo cách học hết nội dung cơ bản trước, rồi thời gian còn lại học liên tục phần chuyên đề.
Chúng tôi thấy gợi ý trên có phần hợp lý vì khi dàn trải nội dung chuyên đề theo từng tuần làm cho việc học chuyên đề bị loãng, hoặc bị chồng chéo kiến thức. Học sinh cũng dễ bị quá tải về việc học, bởi vì cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ. Thiếu đầu tư chuyên sâu, không được tập trung thực hiện sản phẩm nên kết quả học chuyên đề của học sinh khó có chiều sâu.
Bình luận (0)