Cấp bách phòng chống đuối nước: Dạy kỹ năng bơi an toàn để cứu sinh mạng trẻ em

Thu Hằng
Thu Hằng
24/05/2023 14:56 GMT+7

'Việc dạy bơi cho trẻ em tại các địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các tỉnh miền núi, nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở không có bể bơi; ngoài cộng đồng, phần lớn ao, hồ, sông, suối thì ô nhiễm, không thể sử dụng để dạy bơi được', Cục trưởng Cục trẻ em Bộ LĐ-TB-XH Đặng Hoa Nam cho biết.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, trong giai đoạn 2016-2021, các bộ, ngành, địa phương cũng đã quan tâm triển khai chương trình phòng, chống tai nạn thương tích; phòng, chống đuối nước trẻ em. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh, làm thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và hành động của trẻ em, các bậc phụ huynh, các cơ quan chức năng và cộng đồng về vai trò, lợi ích của việc học bơi và học kiến thức kỹ năng phòng, chống đuối nước trong việc nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực trẻ em và bảo đảm an toàn, cứu sống tính mạng khi trẻ em bị rơi vào môi trường nước.

Dạy kỹ năng bơi an toàn để cứu sinh mạng trẻ em - Ảnh 1.

Khi đi bơi ở biển, nên có phao cứu hộ

NGỌC THẮNG

Dạy kỹ năng bơi an toàn để cứu sinh mạng trẻ em - Ảnh 2.

Học bơi không khó

NGỌC THẮNG

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam nhìn nhận: "Việc dạy bơi cho trẻ em tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các tỉnh miền núi nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở không có bể bơi; ngoài cộng đồng, phần lớn ao, hồ, sông, suối thì ô nhiễm, không thể sử dụng để dạy bơi được. Thiếu hướng dẫn viên dạy bơi, nhiều giáo viên thể dục không biết bơi".

Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, đuối nước trẻ em được hỗ trợ từ ngân sách T.Ư, địa phương và vận động các tổ chức quốc tế, cộng đồng. Tuy nhiên, nguồn lực vẫn hạn chế, một số địa phương chưa quan tâm hỗ trợ kinh phí. Năm 2022, 21 tỉnh không bố trí kinh phí riêng mà lồng ghép trong kinh phí bảo vệ trẻ em, 10 tỉnh bố trí kinh phí dưới 100 triệu đồng.

Dạy kỹ năng bơi an toàn để cứu sinh mạng trẻ em - Ảnh 3.

Trẻ em muốn học bơi, cần có HLV

NGỌC THẮNG

Trong lúc việc dạy bơi, học bơi còn nhiều khó khăn, theo ông Nam mô hình bể bơi thông minh là một giải pháp tối ưu. Cục trẻ em đang phối hợp với Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới triển khai dự án phòng chống đuối nước cho trẻ em tại Việt Nam. Một bể bơi thông minh có giá thành đạt tiêu chuẩn dạy bơi cho trẻ em an toàn, đặt ở vùng sâu vùng xa có chi phí khoảng hơn 200 triệu. Các bể bơi đấy có thể lắp đặt tại các trường học, sẽ dạy bơi cho rất nhiều học sinh của trường và trẻ em các trường lân cận. "Muốn dạy bơi cho trẻ em phải có bể bơi, phải có chi phí lắp đặt ban đầu, phải có chi phí tổ chức lớp học bơi, đào tạo HLV. Hiện mô hình bể bơi thông minh, bể bơi di động đã được triển khai tại một số địa phương. Chi phí đó không lớn, không quá tải, không quá sức với các địa phương, nhưng rất ít nơi đầu tư để mở lớp dạy bơi", ông Nam bày tỏ.

Địa phương phải đầu tư nguồn lực

Về giải pháp can thiệp đối với vấn đề phòng chống đuối nước ở trẻ em, theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em, kinh nghiệm tại các nước có điều kiện kinh tế, xã hội tương tự như Việt Nam cho thấy, có 3 mô hình can thiệp rất hiệu quả mà Việt Nam đã và làm, cần được nhân rộng. Tiến hành dạy bơi an toàn, dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em. Tăng độ bao phủ đối tượng trẻ em, đặc biệt là trẻ em từ 10 tuổi trở lên được học các kỹ năng an toàn, học bơi an toàn.

Thứ hai, giải pháp hỗ trợ can thiệp khá hiệu quả là tạo lập môi trường sống an toàn để phòng chống đuối nước cho trẻ em. Chúng ta phải thường xuyên kiểm soát xem trẻ em đi đâu, làm gì… Những nơi vùng nước nguy hiểm phải có biển báo, rào chắn. Những nơi như bể bơi, bãi biển phải có người để cứu hộ, cứu nạn. Những công trường xây dựng phải có biển báo, rào chắn…

Thứ ba, công tác truyền thông, giáo dục ý thức, nhận thức cho các bậc cha mẹ các kỹ năng để giám sát con em mình để phòng chống tai nạn thương tích, kỹ năng phòng chống đuối nước.

Dạy kỹ năng bơi an toàn để cứu sinh mạng trẻ em - Ảnh 4.

Tháng 3.2022, trên trang cá nhân, Ánh Viên thông báo, bắt đầu từ tháng 4.2022 sẽ chính thức mở lớp học bơi năng khiếu do cô trực tiếp huấn luyện. Địa chỉ: 523A Đỗ Xuân Hợp, Phước Long B, Q.9, TP.HCM.

Dẫn chứng từ thực tế ở một số địa phương như: Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…, ông Nam cho hay, nơi nào đầu tư dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn, kiểm soát môi trường an toàn cho trẻ em, thì nơi đó số trẻ em bị đuối nước, tử vong vì đuối nước hàng năm giảm rất nhanh. Điều đó cho thấy rõ ràng đầu tư là có hiệu quả. Theo Cục trưởng Cục trẻ em, trách nhiệm của chính quyền địa phương là phòng ngừa. Do vậy, các địa phương cần tập trung vào công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em, khi xảy ra đuối nước rồi, các nguồn hỗ trợ cho gia đình chỉ mang tính chất từ thiện nhân đạo, an ủi. "Muốn phòng ngừa phải có đầu tư, phân bổ nguồn lực cả về ngân sách và con người. Bài toán đó, "quả bóng" đó đang nằm trên sân chính quyền địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố. Không có gì quý hơn sinh mạng con người, các địa phương phải đầu tư nguồn lực để bảo vệ trẻ em, cứu lấy sinh mạng trẻ em", ông Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh trách nhiệm của các địa phương, Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng, trách nhiệm của cha mẹ đối với việc phòng ngừa đuối nước cho trẻ em cũng rất quan trọng. Cha mẹ không làm thì không ai có thể bảo vệ con em mình tốt hơn. Không ai có thể tạo lập môi trường sống an toàn bằng chính cha mẹ. Nhà nước có chính sách, nhà nước đã truyền thông, nếu cha mẹ không quan tâm thì cha mẹ không được bảo vệ, không được sống an toàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.