Với những trường ở địa bàn nông thôn hay vùng sâu vùng xa, những hoạt động sư phạm được thiết kế theo tính chất vừa học vừa chơi, liên kết giữa lý thuyết và thực hành hoàn toàn ít tốn kém. Nhà trường không cần phải tổ chức các chuyến dã ngoại, du lịch… bởi kỹ năng sống chính là những việc làm bình thường hàng ngày và được thẩm thấu dần dần ở từng bậc học theo tâm sinh lý lứa tuổi với sự năng động và sáng tạo của thầy cô.
Học phép tắc trên mâm cơm, bàn tiệc
Trong chương trình giáo dục mầm non, những kỹ năng sống được thiết kế theo tâm sinh lý lứa tuổi và được giáo viên tổ chức thật sống động và lan tỏa tính tích cực đến trẻ.
Chẳng hạn, khi cho học sinh nghe bài hát Khám tay của nhạc sĩ Đào Việt Hưng khi khởi động trò chơi tập làm bác sĩ, đến đoạn “tay ai xinh xinh trắng tinh thì hát mừng còn tay ai nhem mực thì cả lớp nói chê ngay”, giáo viên có thể dạy trẻ mầm non ý thức về vệ sinh cá nhân trước khi vào lớp học và thực hành ngay cả khi về nhà.
Trong một lần tham gia tiệc buffet tại một cơ sở giáo dục, tôi như được dự giờ một tiết học. Bởi lẽ thông qua hoạt động tại trường này, thầy cô giáo giúp học sinh thẩm thấu nét đẹp trong nghệ thuật ăn uống, giao tiếp lịch thiệp tại bàn tiệc buffet như: tránh chen lấn khi gắp thức ăn, chỉ nên chọn mỗi thứ một ít vừa đủ cho mình, không mang thức ăn về khi rời khỏi tiệc… Ở một góc độ khác, đây cũng là bài học thiết thực để giáo dục học sinh tính tiết kiệm, tránh lãng phí thức ăn khi chung quanh mình có những người còn khó khăn hơn.
Kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm…
Kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm rất cần thiết cho công việc tương lai nên thầy cô giáo thường xuyên lồng ghép vào những hoạt động giáo dục – trong tiết học hay ngoài trời. Những học sinh khối lớp 8 tại trường tôi công tác ở An Giang cũng đã có một hoạt động trải nghiệm thú vị với chủ đề “Vui học với bản đồ Việt Nam’’. Thông qua việc giới thiệu một địa danh trên bản đồ Việt Nam, học sinh đã có một buổi vừa học vừa chơi.
Cụ thể, dưới sự hỗ trợ của thầy cô, học sinh sáng tạo nhiều hình thức trình bày như: talk show, sân khấu hóa, thuyết trình… Những hoạt động này không những cung cấp thêm kiến thức về địa danh mà còn là dịp để các em rèn luyện thuyết trình, làm việc nhóm…
Rèn luyện kỹ năng sống qua môn giáo dục thể chất
Bộ môn giáo dục thể chất trong nhà trường không chỉ đơn thuần là giảng dạy các động tác, bài tập liên quan đến từng phân môn thể thao mà còn chú trọng đến vấn đề bảo vệ sức khỏe và kỹ năng phòng chống thảm họa thiên nhiên.
Sau khi trẻ được học lý thuyết cơ bản là những giờ thực hành những động tác, phản xạ, ứng phó thiên tai với những giáo viên, huấn luyện viên am hiểu những kiến thức y sinh học để rèn luyện cho trẻ những kỹ năng sống còn trong cuộc sống, chẳng hạn như phòng chống đuối nước cho trẻ ở những vùng thường xuyên có lũ lụt hay nhiều hồ ao sông suối hay cách ứng phó với sạt lở đồi núi ở vùng cao nguyên…
Thêm yêu quê hương qua các hoạt động trải nghiệm
Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, hoạt động trải nghiệm, tài liệu giáo dục địa phương là môn học/hoạt động mới giúp cho học sinh bổ sung kiến thức, làm sáng tỏ nội dung theo từng chủ đề. Thông qua thực tế hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp kết hợp với giáo dục địa phương, các em hiểu về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật… trên mảnh đất quê hương mình đang sống. Từ đó các em được khám phá rèn luyện hình thành những kỹ năng sống phù hợp với từng lứa tuổi học sinh.
Tùy vào điều kiện của mình, các trường có nhiều hình thức có tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, tham quan tìm hiểu về di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… phù hợp, thực tế với từng trường.
Để thực hiện tốt mục tiêu yêu cầu giảng dạy hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và tài liệu giáo dục địa phương với cách dạy thiết thực, thầy cô tổ chức cho học sinh Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh (Khánh Hòa) về Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) dâng hương, dâng hoa, tri ân những anh hùng chiến sĩ đảo Gạc Ma anh dũng hy sinh, đã viết tiếp bản hùng ca giữ nước của ông cha mãi mãi…
Tỉnh Khánh Hòa không chỉ là "Xứ trầm, biển yến" mà còn là vùng đất có rất nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng: Tháp Bà Pônagar, thành cổ Diên Khánh, Am Chúa, miếu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong, đền thờ Trần Quý Cáp, Văn miếu Diên Khánh, Viện Hải dương học, Vịnh Nha Trang, Khu tưởng niệm các chiến sĩ Đảo Gạc Ma … nên rất thuận lợi cho học sinh tham quan trải nghiệm, học tập… Chính vì vậy, hàng năm, hầu hết các trường đều có kế hoạch tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm thực tế học tập tại những di tích lịch sử văn hóa nói trên nhiều ý nghĩa bổ ích thiết thực hiệu quả cao.
Ngoài ra các trường còn tổ chức các hoạt động "diễn tuồng" trích đoạn tái hiện nhân vật, giai đoạn lịch sử, văn hóa ngay tại trường.
Thông thường sau hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, học sinh được "khảo sát" bằng cách viết những cảm nghĩ, cảm xúc của các em về địa chỉ, nơi em đến. Ngoài các kỹ năng sống, điều quan trọng và ý nghĩa lớn hơn đó chính là giáo dục các em nhớ về cội nguồn, thêm yêu quê hương đất nước, xác định động cơ mục đích học tập của mình là để bảo vệ xây dựng quê hương ngày càng đẹp giàu.
Bình luận (0)