Tuy nhiên, nếu làm đúng chương trình thì những nội dung này được lồng ghép vào môn học chính khóa, vừa hiệu quả vừa không tốn tiền.
STEM GIÚP MÔN TOÁN "GẦN VÀ VUI"
Chuyên đề môn toán do các giáo viên (GV) của Trường tiểu học Kim Đồng và Trường tiểu học Hoàng Diệu (Hà Nội) đã chứng minh sự sáng tạo của GV trong mỗi tiết học, việc thực sự lấy học sinh (HS) làm trung tâm đã khiến các tiết học vui vẻ, sôi nổi, HS chủ động, hào hứng tham gia tiếp nhận kiến thức một cách tích cực nhất.
Tiết toán lớp 4 do cô giáo Vũ Thị Hương Giang, Trường tiểu học Kim Đồng, thực hiện với bài "Góc nhọn, góc tù, góc bẹt". Việc GV tổ chức hoạt động hợp lý, tích hợp các phương pháp dạy học tích cực và lồng ghép hoạt động STEM giúp các HS chủ động tiếp thu kiến thức, hiểu đặc điểm các góc, thực hành vẽ góc…
Trong phần vận dụng, qua video hướng dẫn, HS chia nhóm thực hành hoạt động góc biến hình từ các miếng bìa màu và kéo. Chỉ từ các vật liệu đơn giản, nhờ sự sáng tạo và khéo léo, các nhóm HS đã hoàn thành sản phẩm, biểu diễn các góc biến hình đẹp mắt, tạo ra các góc vuông, góc nhọn, góc tù, góc bẹt rồi chia sẻ với nhau qua trò chơi: "Pacman ăn gì?". Cuối tiết học, HS hào hứng, phấn khởi tự bình chọn sản phẩm STEM mình yêu thích nhất và được cô giáo tuyên dương, khen ngợi.
Cô Hương Giang chia sẻ dựa trên nền kiến thức toán học để tạo ra các sản phẩm STEM thì sẽ kích thích khả năng tư duy, sáng tạo và hứng thú học tập của HS.
Tương tự, mới đây lớp 3B của cô Tô Thị Hải Hà, Trường tiểu học Bế Văn Đàn (Q.Đống Đa, Hà Nội), trong giờ tự nhiên xã hội, với sự giúp đỡ của cô giáo, HS đã cùng nhau tự khám phá nhiều kiến thức thú vị về đặc điểm của rễ, thân và lá của nhiều loài cây qua hình thức dạy học tích cực "trạm học". Tiết học đã thực sự trao cho các em cơ hội vận dụng nhiều kỹ năng quan trọng như kỹ năng làm việc nhóm, nhận dạng và sắp xếp hình, quan sát và đặc biệt là kỹ năng tự học, tự nghiên cứu… để khám phá nhiều kiến thức cần thiết cho mục tiêu làm sản phẩm STEM "Sổ lật về cây" cùng với cả nhóm.
Đây cũng chính là điểm hấp dẫn nhất của tiết học STEM: HS được cùng nhau tự tay làm ra sản phẩm để tham gia triển lãm ngay tại lớp.
HỌC KỸ NĂNG SỐNG QUA HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM
Lần đầu tiên trong chương trình giáo dục phổ thông, hoạt động trải nghiệm có đầy đủ các thành phần mục tiêu giáo dục, yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục… Hoạt động này được quy định thời gian thực hiện 105 tiết/năm học. Đây cũng chính là hoạt động giáo dục mà nếu GV thực sự tâm huyết sẽ có thể lồng ghép một cách tốt nhất để trang bị cho HS kỹ năng sống chứ không phải các em phải học như một môn học độc lập mà nhiều trường đang đưa các đơn vị bên ngoài vào giảng dạy như hiện nay.
Bằng ý tưởng mới mẻ cùng việc áp dụng công nghệ thông tin, lựa chọn một nhân vật hoạt hình xuyên suốt tiết học mang tên "Suy nghĩ tích cực", cô giáo Hoàng Thị Hiền Anh, Trường tiểu học Thủ Lệ (Q.Ba Đình, Hà Nội), tạo ra các tình huống có vấn đề và cách giải quyết thông qua chính sự trải nghiệm thực tế của HS. Cô đã đồng hành cùng HS lớp 4A1 qua tiết học thực sự thú vị, thể hiện rõ đặc trưng của môn học hoạt động trải nghiệm.
Sau mỗi một tình huống mà HS thể hiện suy nghĩ, hành động, cô giáo đã khéo léo cùng các con rèn luyện việc suy nghĩ tích cực, biến những suy nghĩ tích cực đó thành những hành động tích cực để vận dụng trong cuộc sống thực tế. Rất nhiều thông điệp đã được gửi đến không chỉ với các HS mà còn cả các thầy cô giáo, đó chính là: "nghĩ tích cực - sống vui tươi".
Tương tự, cô Nguyễn Thanh Lan, GV dạy lớp 4A9 Trường tiểu học Hoàng Diệu (Hà Nội), đã thực hiện tiết dạy với "Em nhận biết sự cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn", bài dạy thuộc chủ đề "Cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn".
Tiết dạy bắt đầu với những giai điệu vui nhộn, động tác nhí nhảnh của bài hát Thỏ đi tắm nắng (tác giả Đặng Nhất Mai). Từ nội dung bài hát, GV khéo léo dẫn dắt vào bài học. Trong suốt giờ học, HS được phát hiện tình huống, nêu quan điểm, từ đó rút ra bài học đạo đức.
Các GV trực tiếp giảng dạy và GV dự giờ đều cho rằng dạy hoạt động trải nghiệm là khơi gợi ở HS những trải nghiệm của chính bản thân các em, từ những gì em đã biết, đã được trải nghiệm dẫn dắt đến những kiến thức mới, những trải nghiệm mới.
Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Ba Đình, cho biết Phòng GD-ĐT Q.Ba Đình đã tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới ngay từ những tuần học đầu tiên của năm học 2023 - 2024.
Cũng theo ông Thuận, việc tích hợp các nội dung giảng dạy, sự chủ động của GV trong việc chọn lựa hoạt động phù hợp với đối tượng HS, chú trọng việc rèn luyện năng lực, phẩm chất gắn với những tình huống của cuộc sống đã giúp tinh thần dạy học thực chất, chuyên sâu.
Lồng ghép STEM, kỹ năng sống vào môn học là nhiệm vụ
Trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh việc STEM, kỹ năng sống được "chèn" vào các giờ học chính khóa như những môn học độc lập được liên kết với đơn vị ngoài nhà trường và có thu học phí của HS, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), khẳng định: kỹ năng sống, STEM được tích hợp vào các môn học chính khóa là nhiệm vụ của GV và nhà trường. Ví dụ, giờ học môn toán thì GV có nhiệm vụ lồng ghép STEM vào để dạy cho HS dễ hiểu, dễ vận dụng và hào hứng hơn theo đúng tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, nếu nhà trường giao một đơn vị ở bên ngoài vào, dùng giờ học chính khóa để tổ chức giáo dục STEM và có thu phí của HS là sai.
Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông VN, cũng cho rằng cần tách bạch giữa dạy học chính khóa và liên kết. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có thay đổi lớn nhất là dạy học theo hướng phát triển năng lực của HS mà năng lực của HS phải được hình thành và phát triển qua các giờ học ứng dụng, vận dụng thực tế.
Bình luận (0)