Ông bà ta đã vận dụng STEM từ thời xa xưa!

Lê Tấn Thời
(giáo viên Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, H.Chợ Mới, An Giang)
02/07/2023 17:40 GMT+7

Những người dân Việt từ xa xưa đã biết ứng dụng STEM. Nói không quá lời bởi được minh chứng trong quá trình hình thành và phát triển của cư dân ở nhiều vùng đất.

Ông bà ta đã vận dụng STEM từ thời xa xưa! - Ảnh 1.

Từ thời xưa, ông bà ta đã vận dụng STEM vào nhiều lĩnh vực của đời sống, trồng trọt, chăn nuôi

BÙI ĐÌNH CHƯƠNG

Vậy ông bà ta đã vận dụng STEM như thế nào?

Kiến thức liên môn từ việc đào kênh, nấu cơm...

Trong quá trình khẩn hoang, để việc đào kênh cung cấp nước và tạo điều kiện giao thông dễ dàng thông thoáng, những người đi khẩn hoang đã dùng đuốc để định vị cho dòng kênh được thẳng hàng. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh con kênh để tránh những vùng đất sụt lún hay cứng rắn là những khái niệm khoa học tưởng chừng chỉ có trong thời đại ngày nay đã được ông cha ta khai thác thật hiệu quả. Kiến thức khoa học, toán học đã đi vào thực tiễn bằng minh chứng sống động và hiệu quả .

Tương tự như thế là việc đào mương lên liếp. Những con mương nhỏ song song, nước chảy thông nhau, đất đào dùng để đắp cao lên làm liếp hình chữ nhật để trồng cây. Rễ cây thấm dần nước ngoài sông theo dòng những con mương vào.

Bên cạnh đó, phù sa là phân hữu cơ tốt, mỗi năm vét bùn lắng đọng dưới mương lên để vun bón cho cây. Kiến thức liên môn toán học, hóa học, sinh học được tích hợp vào công việc hàng ngày thật hay. Đó là tính toán để chia nhỏ diện tích đất để đảm bảo cân đối giữa mương và liếp, tận dụng nguồn nước để tưới tiêu và chất dinh dưỡng được tái tạo từ phù sa để làm phân bón cho cây trồng.

Ông bà ta đã vận dụng STEM từ thời xa xưa! - Ảnh 2.

Bếp lửa dân dã miền Tây

BÙI ĐÌNH CHƯƠNG

Ông bà ta đã vận dụng STEM từ thời xa xưa! - Ảnh 3.

Vận dụng STEM đơn giản từ việc nấu nướng trong sinh hoạt hàng ngày

BÙI ĐÌNH CHƯƠNG

Chiếc guồng đạp nước là một công cụ sáng tạo để giảm tải đi sức người cho việc tưới nước khi một máng nước nối liền với một giá guồng đạp nước bằng chân, những lá gỗ chặn và kéo nước chạy vòng tròn trong máng chuyển động theo chân đạp guồng, đưa nước từ thấp lên cao.

Việc nấu cơm hàng ngày cũng thật sự là STEM khi phải biết định lượng giữa nước và gạo, nhiệt lượng, thời gian cần thiết để nấu và khi gần chín thì phải biết đun nhỏ lửa lại. Chỉ một việc nhỏ như thế, ông bà ta đã vận dụng kiến thức liên môn thật tuyệt vời!

Thiên tài quân sự Nguyễn Huệ đã vận dụng STEM

Công cụ đồng áng của người nông dân không những được dùng cho hoạt động nông nghiệp mà còn là những vũ khí không kém phần lợi hại khi có chiến tranh hay giặc giã. Hầu như mỗi công cụ đều có môn võ thuật đi kèm và rất nhiều binh khí ra đời trên cơ sở các công cụ này.

Chiếc câu liêm là biến tấu của chiếc liềm được nối vào cây sào dài nhằm phục kích kéo ngã chân ngựa. Chiếc đòn gánh thông thường trở thành những chiếc trường côn lợi hại tấn công kẻ địch. Trong quá trình làm đồng, người nông dân đã biết được đặc tính của những công cụ này và khi có chiến tranh, việc tính toán thế nào để tiêu diệt kẻ thù từ những công cụ thế này thật là hiệu quả.

Ông bà ta đã vận dụng STEM từ thời xa xưa! - Ảnh 4.

STEM hay STEAM là những gì thật gần gũi với cuộc sống hàng ngày

BÙI ĐÌNH CHƯƠNG

Thiên tài quân sự Nguyễn Huệ đã vận dụng STEM thật hay - vận tốc di chuyển của bộ binh, tượng binh… so với quãng đường; di chuyển thế nào để không bị gián đoạn theo kế hoạch hành quân. Với những dữ liệu thu thập được, Nguyễn Huệ và những tướng tài của nhà Tây Sơn đã có những chiến thuật vận chuyển lương thực, binh lực từ Phú Xuân ra Thăng Long kịp thời gian đánh giặc mà chiến thắng vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 là minh chứng cho điều đó.

STEM hay STEAM là những gì thật gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Tùy theo từng cấp độ người học mà thiết kế những hoạt động cho phù hợp. Người thầy là người hướng dẫn và tạo động lực cho học sinh chứ đừng nên làm thay học sinh. Quan trọng hơn hết là học sinh phải biết vận dụng những kiến thức mà mình đang học ứng dụng vào thực tế cuộc sống chứ không chỉ đơn thuần là những sản phẩm khoa học kỹ thuật dự thi xong rồi lại bỏ qua!


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.