Đây là thủ phạm làm gia tăng bệnh nhân tiểu đường trên toàn cầu

Thiên Lan
Thiên Lan
22/04/2023 00:08 GMT+7

Một nghiên cứu mới, được công bố hôm 10.4 trên tạp chí y khoa Nature Medicine, đã phát hiện ra rằng ăn quá nhiều thịt chế biến, gạo trắng và lúa mì tinh chế là thủ phạm làm gia tăng số ca bệnh tiểu đường trên toàn cầu.

Thủ phạm gây ra 14,1 triệu ca tiểu đường mới  

Tìm ra thủ phạm làm tăng số ca bệnh tiểu đường trên toàn cầu - Ảnh 1.

Chế độ ăn uống kém lành mạnh đã góp phần gây ra hơn 14,1 triệu trường hợp mắc bệnh tiểu đường

Shutterstock

Các nhà nghiên cứu đã phân tích chế độ ăn uống ở 184 quốc gia trong gần ba thập niên - từ năm 1990 đến 2018. Kết quả cho thấy chế độ ăn uống kém lành mạnh đã góp phần gây ra hơn 14,1 triệu trường hợp mắc bệnh tiểu đường, chiếm hơn 70% số ca tiểu đường mới trên toàn cầu, theo hãng tin Insider.

Trong số các yếu tố được phân tích, nghiên cứu đã chỉ ra 3 yếu tố chính của chế độ ăn uống làm gia tăng số ca mắc bệnh tiểu đường là:

  • Ăn quá nhiều gạo trắng và lúa mì tinh chế 
  • Ăn quá nhiều thịt đỏ và thịt chế biến (thịt nguội) 
  • Ăn quá ít ngũ cốc nguyên hạt.

Ngược lại, các yếu tố như uống quá nhiều nước ép trái cây và ăn ít rau, ít các loại hạt - lại ít ảnh hưởng đến các trường hợp tiểu đường mới.

Chất lượng carbohydrate kém là nguyên nhân hàng đầu

Tiến sĩ Dariush Mozaffarian, bác sĩ, giáo sư dinh dưỡng tại Trường Chính sách và Khoa học Dinh dưỡng Friedman tại Đại học Tufts (Mỹ), cho hay: Nghiên cứu này cho thấy chất lượng carbohydrate kém là nguyên nhân hàng đầu liên quan đến ăn uống - gây ra bệnh tiểu đường loại 2 trên toàn cầu.

Tìm ra thủ phạm làm tăng số ca bệnh tiểu đường trên toàn cầu - Ảnh 2.

Ăn quá nhiều thịt chế biến, gạo trắng và lúa mì tinh chế là thủ phạm làm gia tăng số ca bệnh tiểu đường trên toàn cầu

Shutterstock

Ông nói thêm: Những phát hiện mới này cho thấy việc cải thiện chế độ ăn và giảm bệnh tiểu đường là lĩnh vực quan trọng cần tập trung ở cấp quốc gia và toàn cầu.

Nếu không được kiểm soát và với đà tăng này, bệnh tiểu đường sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sức khỏe dân số trên toàn thế giới, tác giả đầu tiên - nghiên cứu sinh tiến sĩ Meghan O'Hearn, tại Trường Friedman (Mỹ), cho biết.

Những phát hiện kể trên có thể giúp mọi người lựa chọn chế độ ăn uống lành mạnh hơn để giải quyết căn bệnh toàn cầu này, cô O'Hearn lưu ý.

Theo số liệu mới nhất của Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế (IDF), tỷ lệ mắc tiểu đường loại 2 ở người lớn trên toàn cầu là 536,6 triệu người (10,5%) vào năm 2021, và sẽ có 783,2 triệu người (12,2%) sống chung với bệnh tiểu đường trên toàn thế giới vào năm 2045, theo Insider.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.