Trao tặng sổ BHXH tự nguyện và thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn |
ảnh: TN |
Ông Mạc Thanh Giang, Phó giám đốc BHXH Ninh Thuận, cho biết từ ngày 1.1.2022, theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27.1.2021 của Chính phủ, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng/tháng; theo đó, mức Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện và mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu năm 2022 cũng tăng theo. Theo quy định của Luật BHXH, mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Căn cứ vào Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1.1.2022, mức đóng BHXH tự nguyện sẽ thay đổi, như sau: Mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là: 22% x 1.500.000 đồng = 330.000 đồng/tháng. Tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện của năm 2021 (chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm này là 700.000 đồng). Đồng thời, mức hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện cũng tăng lên. Theo đó, đối với người tham gia thuộc hộ nghèo - số tiền hỗ trợ tăng từ 46.200 đồng lên 99.000 đồng/tháng (tăng 52.800 đồng); hộ cận nghèo - số tiền hỗ trợ tăng từ 38.500 đồng lên 82.500 đồng/tháng (tăng 44.000 đồng) và đối tượng khác - số tiền hỗ trợ tăng từ 15.400 đồng lên 33.000 đồng/tháng (tăng 17.600 đồng).
Cụ thể, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu sau khi áp dụng mức hỗ trợ đóng của Nhà nước như sau:
Đồng thời, hiện trong năm 2022, lương cơ sở năm 2022 vẫn là 1.490.000 đồng/tháng. Vì thế, mức đóng BHXH tự nguyện tối đa là 1.490.000 đồng x 20= 29.800.000 đồng/tháng.
Theo ông Mạc Thanh Giang,khi Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian mà người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng trước đó theo phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng hay 12 tháng hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau thì người tham gia không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.
Nói về lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, ông Mạc Thanh Giang cho biết, lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng khi về già; được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu; được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí tham gia; lương hưu được điều chỉnh theo Chỉ số giá tiêu dùng; được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân; thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng (10 lần lương cơ sở) và chế độ tử tuất khi người tham gia qua đời.
Nếu không tham gia BHXH tự nguyện sẽ gặp những rủi ro, như: mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng; mất cơ hội được tăng lương hưu khi Chính phủ điều chỉnh; không có thẻ BHYT và phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh khi về già; khi hết tuổi lao động phải sống phụ thuộc vào con cái và người thân; thân nhân không được hưởng chế độ tử tuất nếu không may người tham gia qua đời.
Để đảm bảo an sinh xã hội, ổn định cuộc sống cho người dân, không ai bị bỏ lại phía sau, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngay trong những ngày đầu năm 2022, BHXH tỉnh Ninh Thuận đã vận động Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Ninh Thuận tặng 200 sổ BHXH tự nguyện và 166 thẻ BHYT, tương ứng với số tiền 300 triệu đồng cho bà con thuộc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp người có hoàn cảnh khó khăn có “chỗ dựa” an sinh, yên tâm hơn trong việc khám và chữa bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Nghị quyết số 20 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Kế hoạch số 2091 của UBND tỉnh Ninh Thuận về triển khai thực hiện Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030.
Bình luận (0)