Đẩy mạnh ngoại giao khoa học để phát triển bền vững

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
15/01/2024 06:33 GMT+7

Vài năm gần đây, Việt Nam ngày càng có nhiều đóng góp trong việc thúc đẩy hợp tác giữa cộng đồng khoa học với các nhà hoạch định chính sách để phụng sự lợi ích công.

NƠI GẶP GỠ THƯỜNG NIÊN CỦA CÁC NGHỊ SĨ

Theo giáo sư Trần Thanh Vân (Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam), 2023 là một năm rất đặc biệt. Việt Nam đã tham gia đề xuất đề án lấy năm 2022 - 2023 là Năm Quốc tế khoa học cơ bản để phát triển bền vững, một kiến nghị được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chính thức thông qua vào cuối năm 2021. Việt Nam cũng là thành viên sáng lập kiến nghị Thập niên Khoa học 2024 - 2034 để phục vụ phát triển bền vững được Liên Hiệp Quốc công bố vào tháng 8.2023. Giáo sư Trần Thanh Vân và giáo sư Michel Spiro, Chủ tịch Liên đoàn quốc tế về Vật lý thuần túy và ứng dụng (IUPAP), là đồng chủ tịch hội đồng đề xuất 2 đề án nói trên.

Đẩy mạnh ngoại giao khoa học để phát triển bền vững- Ảnh 1.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt các nhà khoa học tham dự hội nghị khoa học quốc tế Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ vào chiều 12.8.2023

Chưa hết, tháng 5.2023, tại Geneva (Thụy Sĩ), Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE, ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) và Liên minh Nghị viện thế giới (IPU, gồm 179 nghị viện thành viên) đã ký kết thỏa thuận đẩy mạnh hợp tác giữa hai tổ chức, đồng thời cam kết xây dựng và phát triển cầu nối giữa chính sách và khoa học.

Đặc biệt, tháng 9.2023, Quốc hội Việt Nam và IPU tổ chức hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng, huy động sự tham gia và đóng góp của các nghị sĩ trẻ trên toàn thế giới cho việc thực hiện chương trình nghị sự toàn cầu vì phát triển bền vững đến năm 2030.

"Những thành công lớn lao của Việt Nam trong hội nhập quốc tế về khoa học cũng đưa lại cho chúng ta một trách nhiệm thực tế. Trách nhiệm này không thể thực hiện được nếu không có sự trao đổi và cộng tác của các nghị viên quốc hội với lãnh đạo trong mỗi quốc gia. Đấy là tầm nhìn và con đường tương lai để có một phát triển bền vững cho trái đất xanh của chúng ta, một con đường mà IPU và ICISE sẽ cùng nhau đồng hành, tiến tới", giáo sư Trần Thanh Vân nói.

Trong thỏa thuận hợp tác, IPU và ICISE thống nhất nâng cao các khuôn khổ, cơ chế và xây dựng năng lực trong các dự án hợp tác chung, nhằm đẩy mạnh các công cụ và cơ chế ngoại giao khoa học nghị viện đa phương thông qua Nhóm công tác về Khoa học và công nghệ của IPU như một phương tiện giúp giảm bớt căng thẳng và tranh chấp quốc tế thông qua các biện pháp hòa bình và đối thoại. Hành động chung cụ thể có thể được khởi xướng bởi các cơ quan có thẩm quyền của hai tổ chức, với mục đích tổng thể là tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đón đầu nhằm phát triển các giải pháp toàn cầu và toàn diện cho một tương lai bền vững.

"Với thỏa thuận được ký kết, tôi hy vọng rằng một số sáng kiến kết hợp thế mạnh của cả hai tổ chức có thể mở ra sức mạnh hợp tác giữa cộng đồng khoa học và hoạch định chính sách để phụng sự lợi ích công. ICISE ở Quy Nhơn sẽ trở thành một điểm gặp gỡ thường niên trong tinh thần ngoại giao khoa học của nghị sĩ quốc hội các nước thuộc IPU trong chuỗi các hội nghị IPU Khoa học vì hòa bình", giáo sư Trần Thanh Vân chia sẻ.

Thu hút các nhà khoa học đến với Việt Nam

Theo tiến sĩ Trần Thanh Sơn, Phó giám đốc ICISE, khi từ Pháp trở về Việt Nam thành lập ICISE, mục đích của vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân - giáo sư Lê Kim Ngọc (Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp) là xây dựng một nơi để các nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam và chia sẻ với giới khoa học Việt Nam các tiến bộ, khám phá mới nhất trong một bầu không khí thảnh thơi, thuận lợi cho sự xuất hiện những ý tưởng mới.

Đẩy mạnh ngoại giao khoa học để phát triển bền vững- Ảnh 2.

Đại diện ICISE (phải) và IPU ký kết thỏa thuận hợp tác vào ngày 11.5.2023 tại Geneva

ICISE

Nhờ sự quan tâm và đồng hành của lãnh đạo Việt Nam, của tỉnh Bình Định, đặc biệt là chính sách đẩy mạnh ngoại giao về khoa học của Chính phủ Việt Nam, sau 10 năm hoạt động (2013 - 2023), ICISE đã bước đầu thành công với sự tham gia nhiệt tình của hơn 10.000 nhà khoa học hàng đầu đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 18 giáo sư đã được giải Nobel.

"Trong những năm sắp đến, các hội nghị Khoa học vì hòa bình của IPU tổ chức thường niên tại ICISE đều là những sự kiện có ý nghĩa quan trọng và chất lượng cao về mặt học thuật trong bối cảnh "hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển" đang đối mặt với những thách thức lớn, nhiều vấn đề cần giải quyết đa phương. Những vấn đề được đặt ra tại các hội nghị sẽ được các nghị viên, đại biểu quốc hội, các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách… thảo luận, phân tích, từ đó đưa ra các hướng giải quyết dựa trên căn cứ khoa học một cách khách quan để xây dựng hòa bình và phát triển bền vững. Vì vậy, những sự kiện này góp phần củng cố mối quan hệ giữa cộng đồng khoa học và cộng đồng liên minh các nghị viện nhằm ủng hộ khoa học và hòa bình thế giới", tiến sĩ Trần Thanh Sơn nói.

Trong buổi gặp mặt các nhà khoa học tham dự hội nghị khoa học quốc tế Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ (hội nghị được tổ chức tại ICISE nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Gặp gỡ Việt Nam và 10 năm hoạt động của ICISE) vào chiều 12.8.2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam nhận thức rõ một quốc gia muốn bứt phá và phát triển cần có nền khoa học và giáo dục phát triển mạnh mẽ. Trên con đường đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển đất nước, thực hiện khát vọng và tầm nhìn đến năm 2045 để Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, Việt Nam luôn coi trọng khoa học công nghệ, xác định khoa học công nghệ, giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong thời gian tới Việt Nam tiếp tục nhận được sự đóng góp, hỗ trợ của các nhà khoa học quốc tế, các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học kiều bào… Thông qua hợp tác kết nối và giao lưu, có thể vun đắp, hỗ trợ, tạo cảm hứng, dẫn dắt trong nghiên cứu khoa học cho các nhà khoa học trẻ của Việt Nam ở trong và ngoài nước. Chủ tịch nước cũng mong các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, trong đó có tỉnh Bình Định, tiếp tục đồng hành hiệu quả, tích cực phối hợp hành động, hỗ trợ Hội Gặp gỡ Việt Nam hiện thực hóa các ý tưởng, dự án tốt đẹp, khả thi dành cho khoa học giáo dục nước nhà, nhất là các vấn đề mang tầm chiến lược quốc gia về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong đó, cần xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút các nhà khoa học quốc tế đến với Việt Nam nhiều hơn, bền chặt hơn và xây dựng được các mạng lưới quy tụ các nhà khoa học Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài về cống hiến cho đất nước. 

Khoa học có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia

Dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Gặp gỡ Việt Nam (1993 - 2023) tại ICISE vào tháng 8.2023, giáo sư Gerard 't Hooft (Đại học Utrecht, Hà Lan - Nobel Vật lý 1999) nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học đối với sự phát triển của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Theo ông, các nhà khoa học có thể không tham gia vào xây dựng chính sách về khoa học nhưng họ rất mong muốn có chính sách để phát triển khoa học, nhất là việc xây dựng chính sách để khích lệ nghiên cứu khoa học trong thế hệ trẻ, đó là điều rất quan trọng mà các quốc gia cần quan tâm.

"Tôi cho rằng các bạn cần có nhiều hơn những cuộc thảo luận quốc tế để bàn thảo nhiều vấn đề về phát triển khoa học, bao gồm cả những vấn đề khoa học với xã hội. Đồng thời, đây là cơ hội tốt cho các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam nắm bắt các vấn đề liên quan", giáo sư Gerard 't Hooft nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.