Đẩy mạnh sáng kiến công nghệ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Thành Luân
Thành Luân
02/10/2023 06:48 GMT+7

Việt Nam sở hữu nhiều yếu tố thu hút dòng vốn vào các dự án kinh tế xanh từ các starup công nghệ, giúp chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Vốn xanh khởi động

Trong nhiều báo cáo về môi trường của các tổ chức khác nhau trên thế giới, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài. Nếu nước biển dâng 1 mét, 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20 - 30 triệu người dân.

Mặc dù dòng vốn đổ vào các dự án công nghệ xanh chưa thực sự mạnh mẽ ở Việt Nam, theo quan sát của quỹ đầu tư Touchstone Partners, chỉ khoảng 5% tổng số đầu tư về các giải pháp chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên giới chuyên gia nhận thấy đang có sự dịch chuyển rất nhanh trong việc tập trung vào phát triển kinh tế xanh bền vững.

Nhiều cơ hội, nguồn vốn cho 'giải pháp xanh' tại Việt Nam - Ảnh 1.

Việc tìm kiếm các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn và bền vững là một trong những mục tiêu lớn trong công cuộc phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam

CTV

Hiện tại, chính phủ Việt Nam cam kết đạt mục tiêu Net Zero, trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 tại Hội nghị Biến đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc 2021 (COP26).

Trong khi đó, so với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều nhà sáng lập (founder) trong lĩnh vực deep-tech, STEM. Rất nhiều mô hình khởi nghiệp xanh được thực hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây, các công ty startup trong lĩnh vực công nghệ xanh cũng ngày một nhiều hơn, có thể kể đến như Selex Motors (lĩnh vực xe điện), Stride (giải pháp điện mặt trời), Forte Biotech (nông nghiệp bền vững), Piktina (thời trang bền vững)…

Nhiều cơ hội, nguồn vốn cho 'giải pháp xanh' tại Việt Nam - Ảnh 2.

Trang trại pin năng lượng mặt trời tại Quy Nhơn, Bình Định

CTV

Gần đây nhất, quỹ Touchstone Partners đã đồng hành với quỹ Temasek Foundation tổ chức cuộc thi Net Zero Challenge nhằm giải quyết khoảng cách về nguồn vốn cho các giải pháp công nghệ chống biến đổi khí hậu với tổng giá trị lên đến 15 tỉ đồng tiền mặt, không đổi cổ phần.

Đây cũng là cuộc thi hỗ trợ các giải pháp xanh đầu tiên ở Việt Nam. Hiện cuộc thi này vẫn đang tìm kiếm ứng cử viên dự thi cho đến hết ngày 15.10.2023. Ba ứng cử viên chiến thắng chung cuộc sẽ được công bố vào tháng 12 năm nay.

Cần chung tay từ các bên

Mặc dù sở hữu nhiều lợi thế trong nước cùng với bước đầu thu hút dòng vốn nước ngoài, nhưng các startup hoặc đơn vị phát triển giải pháp kinh tế xanh, chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam vẫn gặp các rào cản nhất định.

Bà Ngô Thùy Ngọc Tú, Giám đốc quỹ Touchstone Partners, một trong các đơn vị có nhiều khoản đầu tư cho các startup trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu ở Việt nam cho biết, nỗ lực chống biến đổi khí hậu là một bài toán nan giải trong thời gian dài, cần sự phối hợp tập thể ở quy mô lớn. Hiện chưa có những chính sách đặc thù, cơ chế luật hỗ trợ các ý tưởng công nghệ chống biến đổi khí hậu cũng là một vấn đề lớn với lĩnh vực này. Ngoài ra, sự phát triển của các startup cần sự hỗ trợ lớn từ các tập đoàn, những chính sách, và sự nỗ lực lớn từ bản thân đội ngũ làm khởi nghiệp.

"Startup, giải pháp về môi trường không chỉ là các sản phẩm phần mềm, mà còn bao gồm công nghệ phần cứng, deep-tech, khoa học vật liệu, lương thực… Với tính chất đó, sản phẩm của họ cần thời gian nghiên cứu (R&D) lâu hơn và cần sự hỗ trợ, những nguồn lực lớn hơn để đưa được ra thị trường", bà Tú chia sẻ.

Nhiều cơ hội, nguồn vốn cho 'giải pháp xanh' tại Việt Nam - Ảnh 3.

Bà Ngô Thùy Ngọc Tú và đội ngũ sáng lập của Touchstone Partners đều là những người có kinh nghiệm trong đầu tư và khởi nghiệp

CTV

Đại diện quỹ Touchstone tin rằng phát triển bền vững về công nghệ xanh cần sự chung tay của rất nhiều bên: Những người quyết định chính sách, môi trường kinh doanh; doanh nghiệp đang sản xuất ở quy mô lớn, có ảnh hưởng lớn đến môi trường; đội ngũ startup, nhà nghiên cứu, những người làm chủ công nghệ mới... Khi sự hợp tác này hiệu quả thì phát triển xanh mới có thể xảy ra ở quy mô lớn và bền vững.

Chính vì thế, ngoài tổng giá trị giải thưởng trị giá 15 tỉ đồng tiền mặt (không đổi cổ phần) cho các doanh nghiệp đoạt giải, ba ý tưởng chiến thắng chung cuộc còn được Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM hỗ trợ trong việc đưa vào thí điểm dưới những cơ chế đặc thù.

"Với Net Zero Challenge, chúng tôi muốn tạo ra một nền tảng kết nối các công nghệ chống biến đổi khí hậu với các tập đoàn ở quy mô lớn và các bên cung cấp nguồn vốn chiến lược. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là cuộc thi mà là xây dựng một cộng đồng, hệ thống hỗ trợ lâu dài cho các sáng kiến công nghệ, kinh tế xanh, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tại Việt Nam", bà Tú nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.