Đẩy mạnh thu thuế phát sinh từ Google, Facebook, YouTube, Netflix, Apple, sàn thương mại điện tử

Thanh Xuân
Thanh Xuân
16/11/2021 14:22 GMT+7

Ông Lê Duy Minh - Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết đây là một trong những đề án trọng điểm thực hiện trong thời gian tới.

Cơ quan thuế phối hợp với ngân hàng thu thuế hoạt động xuyên biên giới

ngọc thắng

Theo dữ liệu của 4 ngân hàng thương mại đã cung cấp, trong năm 2020 và ba tháng đầu năm 2021, đã có 4.784 tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ Google, Facebook, YouTube, Netflix, Apple, với tổng số tiền nhận từ nước ngoài là 48 triệu USD và 20 tỉ đồng. Trong thời gian qua, Cục Thuế TP.HCM cũng phối hợp với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) làm việc với các công ty đối tác tại Việt Nam của Google (thường gọi là MCN - Multi Channel Network, hệ thống mạng lưới đa kênh) làm nhiệm vụ quản lý các kênh YouTube tự sản xuất nội dung số và có chi hộ tiền của Google cho các cá nhân là các YouTuber tại Việt Nam; sau đó có văn bản đề nghị các MCN khấu trừ thuế nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định. Cơ quan thuế cũng cung cấp tên các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ nội dung số có nhận thu nhập từ Google mà không đồng ý cho khấu trừ nộp thay thuế. Kết quả ghi nhận là 3.101 cá nhân với mức doanh thu 379 tỉ đồng, đã thu nộp vào ngân sách nhà nước được 20 tỉ đồng.

Từ ngày 1.1.2022, các sàn thương mại điện tử thực hiện cung cấp thông tin với các cơ quan thuế theo chuẩn dữ liệu bằng phương thức điện tử. Trước đó, Tổng cục Thuế phối hợp với Bộ Công thương khảo sát một số sàn thương mại điện tử trong tháng 8 để xây dựng chuẩn dữ liệu, dự thảo chuẩn dữ liệu lấy ý kiến các sàn. Từ ngày 1.10.2021 đến 1.1.2022, Tổng cục Thuế và các sàn thương mại điện tử triển khai nâng cấp ứng dụng để đảm bảo việc cung cấp thông tin theo chuẩn định dạng bằng phương thức điện tử.

Để quản lý các hoạt động mua bán qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, trang mạng xã hội (Facebook, YouTube, Zalo…) có thuê các doanh nghiệp (DN) giao nhận, cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa đến tay người mua và ủy quyền cho các DN này thu hộ tiền bán hàng, cơ quan thuế đã xây dựng cơ chế cung cấp thông tin của các DN cung cấp dịch vụ logistics, dịch vụ giao hàng, nhất là các DN thu hộ tiền bán hàng (COD) của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử cho cơ quan thuế, với nội dung cung cấp gồm số lượng hàng hóa vận chuyển, số tiền thu hộ. Tính đến hết tháng 6.2021, chỉ riêng dữ liệu thu thập được của năm 2017 và năm 2018 trên địa bàn thành phố là 14.686 tổ chức và cá nhân, với tổng số tiền thu hộ gần 15.100 tỉ đồng. Hiện tại cơ quan thuế đang triển khai xác định về thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các tổ chức, cá nhân trong danh sách, yêu cầu giải trình và xử lý theo quy định đối với các trường hợp sai phạm.

Ông Lê Duy Minh cho biết do số lượng ngân hàng hợp tác thời gian qua còn ít nên số liệu thu thập chưa được nhiều. Luật Quản lý thuế số 38 có hiệu lực từ ngày 1.7.2021 đề cập đến cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế với các cơ quan ban ngành, trong đó có phối hợp với các ngân hàng nên khả năng dữ liệu được tập hợp đầy đủ hơn, góp phần chống thất thu ngân sách trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.