TP.HCM hiện có khoảng 15 trường chuyên biệt dành cho trẻ khiếm thính, trong đó hầu hết chỉ dừng ở bậc tiểu học. Điều này ngăn các em tiếp cận những môn học cần thiết cho sự phát triển toàn diện. Tuy nhiên, nhờ sự chung tay của các tổ chức cộng đồng, cánh cửa học vấn đang tiếp tục mở ra trước mắt các em.
Lớp học trực tuyến của trẻ khiếm thính tại Trung tâm nghiên cứu người khiếm thính |
NVCC |
Học các môn STEM, tiếng Anh, vẽ
Bà Dương Phương Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu người khiếm thính, cho biết các môn STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), vẽ và tiếng Anh là điểm mới trong chương trình giảng dạy những năm gần đây.
“Trẻ khiếm thính thiệt thòi khi không thể tận dụng độ tuổi vàng (5 - 10 tuổi) để học tiếng Anh, vì bản thân các em học nói còn gặp nhiều khó khăn, huống chi là ngoại ngữ. Nhưng nếu học viên nhí có khả năng nghe nói tốt thì trung tâm sẽ dạy tiếng Anh cho các em. Chúng tôi cũng dạy cho bất kỳ độ tuổi nào nếu có thể”, bà Hạnh chia sẻ và cho biết thêm trung tâm chỉ tập trung luyện các em nói, nghe, đọc, viết những câu từ mang tính ứng dụng cao trong thực tế.
Bà Hạnh cho biết chương trình dạy học bám sát theo các môn học chính như toán, tiếng Việt để các em thuận lợi khi ra hòa nhập, chứ không dạy đủ hết như ở trường phổ thông.
Mang tết ấm đến các em
Nhằm san sẻ phần nào nỗi lo tết về, ông Trần Hùng Thiện phát động chương trình “Tết tươm tất” gồm hai hoạt động là bán hàng gây quỹ và tổ chức đêm nhạc, với toàn bộ lợi nhuận dành để ủng hộ 300 bé khiếm thính đang được dự án bảo trợ.
Đồng hành còn có những bạn trẻ trong nhóm Bóng rổ cho trẻ khiếm thính với hoạt động thiện nguyện mang tên “MẠNH”, dự kiến tặng nhiều suất quà tết cho người điếc, khiếm thính và những hoàn cảnh gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Hiện tại, sự kiện đã quyên góp được hơn 16 triệu đồng.
“Các môn như tự nhiên, xã hội, đạo đức chuyển thành học ngoại khóa những bài ý nghĩa thực tiễn. Song song đó, rèn luyện các em kỹ năng học hòa nhập như yêu cầu trợ giúp, biết hỏi khi không hiểu, xung phong lên bảng...”, bà Hạnh phân tích.
Các môn ngoại ngữ và kỹ năng cũng đang được dự án Hear.Us.Now thực hiện cho các em khiếm thính. Theo ông Trần Hùng Thiện, đồng sáng lập và quản lý gây quỹ, dự án từng dạy tiếng Anh, tin học và vẽ ở 2 cơ sở đối tác là Trường chuyên biệt Anh Minh và Trường chuyên biệt khiếm thính Hy Vọng, cả hai đều ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM. “Nhưng vì dịch Covid-19, hiện chúng tôi chỉ còn dạy tiếng Anh trực tuyến cho các bạn Trường Anh Minh”, ông Thiện tiếc nuối.
Ông Thiện cũng tâm sự: “Từ trước 2015, trên toàn TP.HCM, số học sinh câm điếc tốt nghiệp THCS chỉ trên dưới 10 em. Thành tựu của dự án là tạo cơ hội cho các bạn khiếm thính đạt được trình độ tiếng Anh và tin học cơ bản, giúp đỡ các em lớp 9 tốt nghiệp. Nó cho phép các bạn tiếp cận nền giáo dục cao hơn nữa như THPT hoặc đại học”.
“Chúng tôi còn dạy môn vẽ cho trẻ khiếm thính vì năng khiếu này của các bạn thường nổi bật hơn hẳn. Bên cạnh mục đích hướng nghiệp, chúng tôi mong các bạn được rèn luyện sự sáng tạo và có cơ hội thể hiện suy nghĩ của bản thân qua nét vẽ, màu sắc”, ông Thiện nói thêm.
Chơi thể thao để tự tin bước ra vùng an toàn
Không chỉ người lớn, những bạn trẻ cũng đang tìm cách riêng để hỗ trợ người khiếm thính. Với mong muốn xóa bỏ sự bất bình đẳng xã hội trong việc tiếp cận thể thao đối với cộng đồng này, các học sinh, sinh viên đã cùng nhau thành lập nhóm Bóng rổ cho trẻ khiếm thính.
Sáng lập viên Nguyễn Ngọc Tú (sinh viên ĐH Melbourne, Úc) chia sẻ: “Chúng tôi muốn bình thường hóa hình ảnh trẻ khiếm thính chơi bóng rổ bằng cách truyền thông những mặt tích cực và tiềm năng chơi thể thao ở họ. Từ đó, giúp cộng đồng này tự tin bước ra khỏi vùng an toàn để kết nối nhiều hơn với bên ngoài”.
Hoạt động chính của nhóm là tổ chức dạy học bóng rổ hằng tuần với sĩ số trung bình mỗi buổi là 10 học viên. Bên cạnh đó, nhóm còn hy vọng được cung cấp lớp học bóng rổ tại chỗ cho các trường chuyên biệt ở TP.HCM, cũng như hình thành tuyển bóng rổ để thi đấu.
“Các bạn học viên có khả năng quan sát rất tốt nên học rất nhanh. Khó khăn lớn nhất chỉ là việc giao tiếp còn hạn chế nên chúng tôi chưa thể ứng biến nhanh trong quá trình điều phối lớp học”, Tú cho biết, đồng thời mong muốn: “Chúng tôi muốn bình thường hóa và bình đẳng hóa vị trí của trẻ khiếm thính trong cộng đồng của chúng ta”.
Bình luận (0)