Đẩy nhanh bao phủ vắc xin Covid-19

04/10/2021 04:49 GMT+7

Bộ Y tế tiếp tục thúc đẩy tiếp cận nguồn vắc xin nhập khẩu, và vắc xin “made in VN” đang tăng tốc nhằm mục tiêu đẩy nhanh bao phủ vắc xin Covid-19 trên phạm vi cả nước.

Đến ngày 3.10, hầu hết các tỉnh, thành đang rất cần có nguồn vắc xin để tiêm phòng ngừa cho người dân trong bối cảnh chưa thể khống chế triệt để dịch bệnh Covid-19.

Người dân Q.Tân Bình (TP.HCM) đi tiêm vắc xin ngày 3.10

Khánh Trần

Có nơi tỷ lệ tiêm mới đạt hơn 13%

Tại ĐBSCL, trừ Long An có tỷ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 khá tốt, các địa phương còn lại đều có tỷ lệ tiêm còn thấp. Điển hình như Cà Mau mới có khoảng 13,9%, Kiên Giang khoảng 30%, Cần Thơ khoảng 23,8% dân số trong độ tuổi tiêm vắc xin. Phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Phạm Phú Trường Giang nói: “Tỷ lệ tiêm cũng như số lượng vắc xin được phân bổ còn rất hạn chế so với nhu cầu của Cần Thơ lên tới trên 1,7 triệu liều”.

Ở khu vực phía bắc, tỷ lệ tiêm mũi 1 của Hà Nội đạt hơn 70% và mũi 2 chỉ đạt hơn 21% dân số trong độ tuổi tiêm chủng. Sở Y tế Hà Nội cũng đã có công văn yêu cầu các cơ sở y tế trong và ngoài công lập được giao nhiệm vụ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tiếp tục chỉ đạo thực hiện tiêm chủng miễn phí cho người thuộc diện được tiêm. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc xin ở một số địa phương của tỉnh Thanh Hóa vẫn còn ở mức thấp, do số lượng vắc xin mà tỉnh này được phân bổ ít: H.Nông Cống mới có khoảng 14%, H.Nga Sơn có khoảng 13% người dân được tiêm.

Ở khu vực miền Trung, Nghệ An đã tiêm tổng cộng được 515.537 liều/hơn 2,3 triệu người từ 18 tuổi trở lên cần tiêm. Tỷ lệ tiêm chủng của Hà Tĩnh đạt 14% nhu cầu, chủ yếu ưu tiên tiêm cho đối tượng được tiêm.

Xếp hàng tiêm vắc xin Vero Cell trước ngày đi làm trở lại

Đà Nẵng còn cần tiêm mũi 1 cho khoảng 250.000 người, mũi 2 cho khoảng gần 900.000 người. Trong khi đó, nhiều địa phương khác ở miền Trung lại chậm tiêm, chủ yếu do chậm được phân bổ vắc xin. Quảng Nam dù có khu công nghiệp lớn, số lượng công nhân rất lớn, nhưng hiện nay tỷ lệ phủ vắc xin trên địa bàn tỉnh còn rất thấp: chỉ đạt 26,10% mũi 1 và người tiêm đủ 2 mũi chỉ 5,18% số người cần tiêm. Lượng vắc xin mà Thừa Thiên-Huế đã nhận khoảng 277.344 liều/805.048 người cần tiêm; hiện toàn tỉnh mới tiêm 1 mũi vắc xin cho 137.608 người, tiêm mũi 2 cho 59.037 người. Tại Quảng Trị mới có 58.704 người đã tiêm mũi 1 và 40.945 người đã tiêm mũi 2 (trong tổng số 463.442 người từ 18 tuổi trở lên)…

Người dân Q.Tân Bình (TP.HCM) đi tiêm vắc xin ngày 3.10

Khánh Trần

Đã đến lúc ưu tiên các tỉnh vùng xanh

Theo TS Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock VN (Trường ĐH Sydney, Úc), ngoài TP.HCM, chưa tỉnh, thành nào đạt tỷ lệ tiêm đủ liều vắc xin (2 mũi) tới 40%, điều này có nghĩa khi dịch bùng phát, số ca tử vong sẽ rất lớn. Bài học từ Mỹ cho thấy số ca tử vong do Covid-19 tập trung phần lớn ở người cao tuổi.

TS Nguyễn Thu Anh cho rằng sau khi dành vắc xin cho các vùng đỏ (như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...), đã đến lúc dành vắc xin cho các tỉnh vùng xanh để bảo vệ người dân tại đây trước nguy cơ bùng dịch, cũng như mở cửa nền kinh tế trở lại đảm bảo an toàn.

Thông tin về lượng vắc xin phòng Covid-19 sẽ về trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết từ nay đến hết năm 2021 và nửa đầu năm 2022 sẽ tiếp cận khoảng 150 triệu liều. Riêng từ nay đến cuối năm 2021 dự kiến sẽ về khoảng 55 triệu liều. Bộ Y tế đã có kế hoạch phân bổ theo từng tuần, từng tháng cho các địa phương theo quy định.

Ông Tuyên lưu ý các tỉnh, thành cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, trong đó ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên, tăng độ bao phủ mũi 1 và tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định, đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin để có thể sớm quay lại cuộc sống bình thường.

đồ họa: phúc hải

Phấn đấu năm 2021 có vắc xin Covid-19 sản xuất trong nước

Theo Bộ Y tế, VN hiện có 4 vắc xin Covid-19 “made in VN” được nghiên cứu, phát triển và tiếp nhận chuyển giao công nghệ (3 vắc xin dự tuyển: Nanocovax, Covivax, ARCT-154 và 1 vắc xin thành phẩm Sputnik). Ngoài ra, có 2 vắc xin khác đang được triển khai tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản và Cuba.

Trong đó, vắc xin Nanocovax của Công ty Nanogen (TP.HCM) là vắc xin Covid-19 “made in VN” đầu tiên được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (HĐĐĐ) phê duyệt triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (TNLS) từ 12.2020. Vắc xin Nanocovax đạt yêu cầu về tính an toàn trong ngắn hạn dựa trên dữ liệu báo cáo kết quả giữa kỳ TNLS giai đoạn 3, có tính sinh miễn dịch. HĐĐĐ đã thống nhất về việc sử dụng các kết quả nghiên cứu TNLS tính đến thời điểm đánh giá kết quả giữa kỳ giai đoạn 3, gửi cho Thường trực Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc xem xét. Đồng thời, cũng yêu cầu nhóm nghiên cứu hoàn thiện báo cáo và tiếp tục triển khai bảo đảm chất lượng, tiến độ nghiên cứu TNLS vắc xin Nanocovax theo đề cương đã được phê duyệt để hoàn tất nghiên cứu vào tháng 3.2022.

Với vắc xin ARCT-154 (của Vingroup), đại diện Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cho hay, dự kiến giai đoạn 3a TNLS sẽ kết thúc vào ngày 24.11 năm nay, là dữ liệu cho xin cấp phép khẩn cấp. Ngày 24.9 vừa qua, Công ty Vabiotech (Bộ Y tế) đã chính thức công bố sản xuất thành công lô vắc xin Sputnik V đầu tiên. Ước tính đến tháng 6.2022, Vabiotech sản xuất 40 triệu liều vắc xin này.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: “Việt Nam hiện tiếp cận và làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19. Chúng ta phấn đấu trong năm 2021 có một vắc xin Covid-19 trong nước được phê duyệt”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.