Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay cần bứt phá, tăng tốc để thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, trong đó có mục tiêu xây dựng 3.000 km cao tốc tới năm 2025 và 5.000 km cao tốc tới năm 2030. Đồng thời, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, khắc phục hậu quả, thiệt hại rất nặng nề do bão lũ, thiên tai gây ra.
Báo cáo của Bộ GTVT tại phiên họp cho biết, Bộ đã trình Bộ Chính trị Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; trình Chính phủ nghị quyết triển khai chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Một số dự án có giá trị thực hiện lớn như cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 thi công đạt 52%, dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua An Giang đạt 26%, dự án Vành đai 4 Hà Nội đoạn qua Hà Nội đạt 33%, Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Long An đạt 41%...
Tuy nhiên, việc triển khai thi công các dự án tại một số địa phương còn chậm như Cần Thơ, Sóc Trăng tại dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Bắc Ninh tại dự án Vành đai 4 Hà Nội, Cao Bằng tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh...
Giao các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội, Cao Bằng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để sớm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh và đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Các tỉnh Sơn La, Thái Bình, Ninh Bình, Bình Dương bám sát kế hoạch, hoàn thành các thủ tục, trong tháng 10 phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án Hòa Bình - Mộc Châu; Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình theo phương thức PPP; TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành theo nghị quyết của Chính phủ.
Thủ tướng giao TP.HCM phối hợp các bộ, ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các thủ tục đầu tư để sớm trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 TP.HCM. Hà Nội chủ trì tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền cân đối tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần thuộc Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội.
Về giải phóng mặt bằng, các địa phương phối hợp các chủ đầu tư để xây dựng kế hoạch triển khai giải phóng mặt bằng, tập trung vào các vị trí quan trọng để ưu tiên triển khai trước. Bên cạnh đó, cần xây dựng kịch bản ứng phó tình hình thời tiết bất thường như bão, lũ để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động, máy móc, giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão lũ. Tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp để hoàn thành các dự án thuộc danh mục 3.000 km có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025. Với dự án Vành đai 3 TP.HCM (đoạn qua Đồng Nai và Bình Dương), Biên Hòa - Vũng Tàu (Đồng Nai), Tuyên Quang - Hà Giang (Tuyên Quang) chậm tiến độ, cần có sự chủ động, quyết tâm, nỗ lực để bảo đảm tiến độ đề ra.
Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh có khối lượng thi công còn thấp như Cần Thơ, Sóc Trăng, Bắc Ninh cần rà soát lại toàn bộ kế hoạch triển khai, tập trung tháo gỡ về vật liệu xây dựng, chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ.
TP.HCM kiểm soát chặt chẽ tiến độ triển khai để đưa vào khai thác dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên đúng tiến độ đề ra (trong tháng 11.2024). Hà Giang rà soát ngân sách để báo cáo cấp thẩm quyền giải quyết các khó khăn về nguồn vốn ngân sách địa phương tham gia dự án Tuyên Quang - Hà Giang.
Bình luận (0)