Dậy sóng vì màn cầu hôn ‘chiếm sóng' của Trường Giang với Nhã Phương

19/01/2018 14:29 GMT+7

Câu chuyện về danh hài Trường Giang 'chiếm sóng' truyền hình trực tiếp giải Mai Vàng diễn ra tại TP.HCM để cầu hôn Nhã Phương đang là chủ đề được bàn luận rôm rả của nhiều bạn trẻ trong sáng nay 19.1.

“Chuyện này đâu hiếm ở nước ngoài. Có khi trong một sân khấu đang diễn ra một chương trình gì đó, anh thanh niên ngắt lời người MC để tỏ tình, rồi cầu hôn, đó là chuyện bình thường”, chị Thùy An, 38 tuổi, đang làm việc tại một công ty tại Q.3, TP.HCM lên tiếng.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Quỳnh, 32 tuổi, nhân viên marketing cho một công ty tư nhân tại Q.8, TP.HCM phản bác: “Cầu hôn trên sóng truyền hình trực tiếp không phải là cái đáng bàn. Nếu người cầu hôn từ tốn, lịch sự hơn thì sẽ không ảnh hưởng đến một chương trình...”.
Thích thể hiện hay muốn “khẳng định chủ quyền”?
T.M.P.T, 22 tuổi, nữ sinh viên năm cuối Trường đại học Thương mại Hà Nội, người được tỏ tình công khai ngay tại sân trường đại học hồi năm 2014 bằng gấu bông và rất nhiều hoa hồng, cho biết cô không bao giờ muốn nhớ đến vụ tỏ tình đó, trong suốt đời sinh viên của mình. Theo T.M.P.T, tỏ tình hay cầu hôn là nghệ thuật, trong đó sự tinh tế, lãng mạn các cô gái sẽ quan tâm hàng đầu chứ không phải để cô gái làm trung tâm của vũ trụ, tất cả mọi người đều nhìn thấy.
Anh Lê Việt Anh, 24 tuổi, sống ở quận Bình Thạnh, TP.HCM cũng phản đối việc cầu hôn nơi công cộng: “Tôi không muốn chuyện đời tư của mình được bày ra để cả thế giới cùng biết. Tôi cũng nghĩ cho người bạn gái của mình, không phải cô gái nào cũng thích bị chú ý, soi mói trước đám đông”.
Nhìn nhận ở một góc độ khác, Việt Dũng, 22 tuổi, sinh viên Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, cho hay cầu hôn nơi công cộng, đặc biệt khi có thể lên sóng truyền hình trực tiếp, được truyền thông đưa tin, đó cũng là cách người đàn ông “khẳng định chủ quyền”, lên tiếng với tất cả mọi người rằng “cô ấy đã có tôi, những người đàn ông khác tránh xa ra”.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Văn Đông, nguyên giảng viên tâm lý học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội), chia sẻ: Cầu hôn là một câu chuyện cần sự tinh tế, nhạy cảm của cả hai bên. Nếu chàng trai đã dò đoán được, cô gái yêu mình, muốn gắn bó lâu dài với mình, thì việc cầu hôn đơn giản vô cùng, có khi chỉ cần bông hoa, chiếc nhẫn, một buổi cà phê, lời cầu hôn thành công. Ngược lại, nếu cô gái không yêu chàng trai, thì buổi cầu hôn đó diễn ra ở đâu, có vật chất lớn thế nào, nửa kia cũng không thể gật đầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.