Có quá nhiều điều vô lý trong quá trình vận hành chương trình tiếng Anh Cambridge tại TP.HCM cần những người có trách nhiệm phải giải thích rõ ràng.
Kiếm tiền trên hệ thống trường công
Cơ sở vật chất, thiết bị học tập phục vụ cho các trường hiện nay bên cạnh kinh phí của nhà nước phần lớn đều dựa vào sự hỗ trợ của phụ huynh. Với những trường công lập lớn mà Công ty EMG đang triển khai chương trình Cambridge, nhà nước và hội phụ huynh đã đổ rất nhiều kinh phí để có đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu học tập nói chung, việc học ngoại ngữ nói riêng của học sinh (HS). Mọi thứ đã có sẵn và EMG đưa chương trình Cambridge vào mà không phải tốn kinh phí đầu tư gì.
Khi Báo Thanh Niên đặt vấn đề này, bà Nguyễn Phương Lan, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị EMG, lấp lửng cho rằng: “Không chỉ riêng chương trình Cambridge, hiện nay còn chương trình tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh tự chọn… đều cùng chung mục đích phục vụ nhu cầu tự chọn của phụ huynh và cùng chia sẻ chung cơ sở vật chất”. Khó có thể so sánh được như vậy khi chương trình tiếng Anh tăng cường đã hoạt động hơn 10 năm nay, trang thiết bị được nhà trường và phụ huynh đầu tư, xây dựng qua từng năm. Cũng như vậy, chương trình tiếng Anh tự chọn của Bộ GD-ĐT cũng dành cho tất cả HS, phụ huynh và nhà trường cùng chung tay đóng góp.
Trong khi đó, chương trình Cambridge mà EMG đưa vào các trường chỉ dành cho một bộ phận HS nhưng lại dùng cơ sở vật chất mà lẽ ra mọi HS đều được thụ hưởng. Theo nhiều giáo viên, để có được sĩ số đẹp 25-30 HS/lớp theo đúng yêu cầu của chương trình này, các lớp khác phải ép số HS có khi lên đến gần 50 em và nhường những phòng tốt cho HS của chương trình.
Điều đáng nói là trong khi các chương trình tiếng Anh khác muốn thực hiện ở các trường đều phải ít nhiều trang bị các thiết bị phục vụ cho việc học tập của HS.
|
Ai quyết định chọn EMG ?
Tiếng Anh Cambridge là một chương trình có uy tín trên thế giới và nếu HS Việt Nam được tiếp cận sẽ có nhiều ích lợi. Điều này ai cũng phải thừa nhận nhưng vấn đề đặt ra ở đây là tại sao chương trình này khi đưa vào Việt Nam, đặc biệt tại TP.HCM, các trường chỉ phải thực hiện thông qua EMG?
Theo điều tra của Thanh Niên, một số trường học muốn được thực hiện trực tiếp với Hội đồng Khảo thí quốc tế ĐH Cambridge (CIE) đều rất khó thực hiện mặc dù chi phí thấp hơn. Phóng viên Thanh Niên cũng trao đổi với CIE ngay tại chính quốc, ông Adele Williams, Giám đốc quan hệ quốc tế của CIE (Anh quốc) cũng khẳng định bất kỳ trường nào có nhu cầu giảng dạy theo chương trình của CIE đều có thể liên hệ trực tiếp với CIE, không nhất thiết phải thông qua đại diện của CIE.
Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng: “Trường đang làm thí điểm chương trình Cambridge cũng xin tự triển khai được nhưng xin phép Bộ vì Bộ cho đối tác đó làm”. Thế nhưng ở Việt Nam, đến nay các trường khi thực hiện chương trình này đều phải qua EMG. Như vậy phải chăng EMG được Bộ và Sở GD-ĐT TP.HCM ủng hộ hoàn toàn?
Đó là chưa kể hầu như những sự kiện nào mà EMG tổ chức cũng có sự xuất hiện của đại diện Bộ GD-ĐT. Thắc mắc này cần phải được giải đáp và chúng tôi đã đặt vấn đề này với Bộ GD-ĐT nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Chi phí và chất lượng thật sự
Loạt bài của Báo Thanh Niên cũng đặt ra vấn đề chênh lệch học phí. Cùng một chương trình nhưng các trường khi liên hệ trực tiếp với CIE khu vực Đông Nam Á lại có giá 50 USD/HS/tháng trong khi của EMG là 150 USD. Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng chi phí này cao nhưng không cao bằng các trường quốc tế. Tuy nhiên, theo phân tích của những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nếu tính kỹ chi phí hiện nay của chương trình Cambridge đắt hơn. HS chương trình Cambridge học 6 tiết/tuần bằng tiếng Anh, tính ra có 24 tiết tiếng Anh/tháng. Trong khi đó, nếu chỉ tính riêng bậc tiểu học, HS trường quốc tế sẽ học 5 ngày, mỗi ngày 8 tiết, mỗi tháng từ 135 tiết - 140 tiết hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đó là chưa kể ngoài học phí, HS chương trình Cambridge còn phải trả tiền mua giáo trình với chi phí không rẻ.
Không phủ nhận chương trình tiếng Anh Cambridge có chất lượng trên toàn thế giới thế nhưng vẫn có thể đặt câu hỏi về vấn đề này khi chương trình áp dụng ở Việt Nam. Có chuyên gia cho rằng do CIE không ký kết gì với phía Việt Nam nên việc CIE tuyên bố không có trách nhiệm giám sát, quản lý chất lượng Cambridge ở Việt Nam (Như Thanh Niên thông tin) cũng là điều hợp lý. Trong khi đó, chính ông Nguyễn Hoài Chương cũng thừa nhận: “Mình cũng có kiểm soát nhưng nói thật là chỉ có mức độ thôi, cũng chỉ yêu cầu người ta báo cáo đội ngũ giáo viên bằng cấp thế nào. Gần như họ (EMG) phải tự chịu trách nhiệm”. Như vậy, ai dám chắc chắn hoàn toàn chương trình Cambridge ở Việt Nam không “dị bản”?
Một chương trình diễn ra rộng khắp ở các trường được xem là danh giá nhất của TP.HCM mà lãnh đạo ngành giáo dục cũng mơ hồ về chất lượng thì phụ huynh có tin tưởng?
Phớt lờ các chương trình khác Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong thời gian thí điểm chương trình tiếng Anh Cambridge cho đến nay, ngoài EMG, có nhiều đơn vị khác đã xin phép Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai một số chương trình tiếng Anh nhưng bị phớt lờ. Theo một nhà đầu tư trường tư thục tại TP.HCM, ông đã xin phép Sở giảng dạy chương trình trung học quốc tế IGCSE cho Trường THCS và THPT V. Đây là chương trình tương đồng với tiếng Anh Cambridge hiện nay, hơn nữa hệ thống trường V. đã là thành viên chính thức của CIE từ năm 2003. Năm 2011, lãnh đạo trường này đã gửi hồ sơ xin phép triển khai giảng dạy chương trình này đến lãnh đạo Sở GD-ĐT. Kèm theo đó là thư giới thiệu của bà Stefanie Leong, Trưởng CIE khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời điểm đó lên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM. Tuy nhiên, theo nhà đầu tư này, lãnh đạo Sở GD-ĐT từ chối hồ sơ này kèm theo 2 hướng gợi ý hoặc làm việc với EMG để triển khai chương trình hoặc xin phép Bộ GD-ĐT. Vì học phí mà EMG thu của HS quá cao nên lãnh đạo Trường V. từ chối làm việc với đơn vị này và gửi hồ sơ xin phép lên Bộ GD-ĐT. Nhưng từ đó đến nay, trường vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin phản hồi chính thức nào của Bộ GD-ĐT. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn, Tổng giám đốc Công ty CP giáo dục ISMART, cho biết cũng muốn triển khai thí điểm chương trình tiểu học quốc tế các môn tiếng Anh, toán, khoa học bằng tiếng Anh song song với chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT. Giáo trình của chương trình là Edexcel International (Anh quốc) và CBSE (Ấn Độ), sử dụng công nghệ bài giảng số DigiClass. Đơn vị thực hiện chương trình ISMART còn cam kết sẽ đầu tư miễn phí toàn bộ trang thiết bị theo công nghệ bài giảng số cho các trường tham gia chương trình, miễn phí toàn bộ giáo trình học cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3, giúp chuyển giao công nghệ và phương pháp giảng dạy qua việc đào tạo giáo viên của trường trong nước và nước ngoài. Đầu ra của chương trình là chứng chỉ tiểu học quốc tế Edexcel International (Anh quốc), có giá trị tương đương với chứng chỉ của Cambridge. Ông Toàn cho biết: “Từ ngày 3.1 đến 24.5.2013, chúng tôi đã gửi 5 công văn đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM cho thí điểm. Vào ngày 24.5.2013, Sở có cho phép chúng tôi tổ chức hội thảo giới thiệu. Tuy nhiên cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa có một văn bản nào chính thức từ Sở GD-ĐT TP.HCM cho áp dụng thí điểm”. Điểm chung của các chương trình này là học phí đều không cao như EMG đang áp dụng. Học phí của chương trình ISMART là 300.000 - 1,1 triệu đồng/tháng cho 6-10 tiết học tiếng Anh/tuần. Đăng Nguyên |
Thùy Ngân
Bình luận (0)