Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi? - Kỳ 2: Không nói được bao nhiêu chi phí là vừa phải!

25/06/2013 03:40 GMT+7

Qua nhiều lần liên lạc, đến giữa tháng 6, chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Phương Lan, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn giáo dục EMG.

 Học tiếng Anh
Giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy chương trình tiếng Anh Cambridge tại một trường tiểu học ở TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Mức thu có cao?

* Có đơn vị từng làm việc với CIE (Cambridge International English) khu vực Đông Nam Á, nhận định nếu đưa chương trình này về giảng dạy, học phí chỉ cần là 50 USD/học sinh/tháng trong khi học phí hiện tại EMG áp dụng là 150 USD/học sinh/tháng. Bà nghĩ gì về sự chênh lệch này?

- CIE trên toàn thế giới không có một chiến lược chỉ đạo gì về chi phí mà chi phí thực hiện tùy vào đối tác là ai và ở quốc gia nào. Phí hằng năm CIE dành cho các trường ở Việt Nam đặc biệt là trường công tương đối ưu đãi. Không một đơn vị nào có thể nói được bao nhiêu chi phí là vừa phải, lý do là có những ẩn số như giáo viên, chất lượng... Một trường quốc tế ở Bangkok (Thái Lan) cũng dạy chương trình này chi phí khoảng 20.000 - 25.000 USD/năm. Không thể nói 50 USD hay 20.000 USD sẽ là con số đúng... Hiện nay nếu đơn vị đó chưa được Cambridge cho phép thì cũng chỉ là một giả thuyết. Nếu người ta chưa làm mà chỉ hình dung thì con số có thể không đúng với thực tế.

* Như vậy phí 150 USD/học sinh/tháng mà EMG đang áp dụng bao gồm những khoản nào?

- Phí của EMG theo tiền Việt Nam là 131.000 đồng/giờ không thay đổi từ ngày đầu đến giờ. Phí này bao gồm: giáo viên, người hỗ trợ học sinh trong lớp, phí vận hành chương trình Cambridge...

* Dư luận cho rằng mặc dù chi phí khá cao nhưng chương trình do EMG thực hiện không đầu tư cơ sở vật chất cho học sinh tham gia mà tận dụng cơ sở vật chất sẵn có của các trường.

- Không chỉ riêng chương trình Cambridge, hiện nay còn chương trình tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh tự chọn... đều cùng chung mục đích phục vụ nhu cầu tự chọn của phụ huynh và cùng chia sẻ chung cơ sở vật chất. EMG đang có tâm huyết trang bị dần dần góc thư viện cung cấp sách cho học sinh. Còn các trang thiết bị dạy và học khác, các trường ở Hà Nội và TP.HCM đều có cả dù có hay không chương trình Cambridge. Các chương trình tiếng Anh là công cụ để thực hiện đề án ngoại ngữ của Bộ GD-ĐT đều sử dụng cơ sở vật chất của trường công, không nên tách rời chương trình Cambridge ra các chương trình khác.

Giáo trình... rất phức tập

* Còn về giáo trình, tại sao phụ huynh chỉ phải đăng ký qua EMG mà không thể mua được từ nguồn khác? Nhiều phụ huynh còn cho biết mua giáo trình trên mạng rẻ hơn đăng ký tại EMG.

- Chương trình Cambridge có rất nhiều bộ sách giáo khoa trong đó có những bộ đã được CIE thẩm định về chất lượng và xác định gần gũi với tiêu chí đầu ra và bắt buộc phải sử dụng giáo trình gốc, có bản quyền. Sách của chương trình có nhiều version (tạm dịch: phiên bản - PV) khác nhau, nhiều lần xuất bản khác nhau và có nhiều chỉnh sửa. Nếu trong một buổi học về chủ đề nào đó mà sách của học sinh có nhiều phiên bản thì rất khổ cho giáo viên.

Sách giáo khoa của chương trình có giá rất vừa phải vì càng có đông học sinh thì giá mua càng giảm. Bằng việc mua cùng lúc thì chúng ta đã tự tiết kiệm rồi.

Mỗi năm hội đồng khoa học sẽ xem Cambridge cho những bộ sách gì và sách nào chuẩn nhất trong chương trình. Hội đồng khoa học sẽ đánh giá lại kết quả năm học trước để xem năm sau chọn sách gì là chuẩn nhất, đưa ra quyết định, trao đổi qua lại với Cambridge để đưa ra bộ sách tốt nhất cho học sinh Việt Nam. Chúng tôi cũng chọn đúng thời điểm học vụ để mua sách. Nếu mỗi phụ huynh mua khác nhau, chúng tôi phải thẩm định lại từng phiên bản, lần xuất bản... thì rất phức tạp.

* Tại sao Hội đồng khoa học của EMG không đưa trước danh sách giáo trình mà học sinh sẽ học cho phụ huynh biết để nếu thích, phụ huynh có thể mua ở nơi nào miễn sao đúng loại giáo trình và thời điểm theo yêu cầu của EMG?

- Những yêu cầu đặt ra là sách phải đúng thời điểm, rẻ nhất và đúng bản quyền, cái mà EMG và Cambridge thấy tốt nhất cho học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, nếu phụ huynh còn có ý kiến, chúng tôi sẽ xem xét đưa ra phương án tiếp theo về vấn đề này.

* Bà có thể cho biết quy trình tuyển chọn giáo viên của chương trình như thế nào? Điều gì đảm bảo những giáo viên này đạt chất lượng theo yêu cầu?

- Quy định của ĐH Cambridge không phân biệt quốc tịch giáo viên tuy nhiên do yêu cầu đề án ngoại ngữ của Bộ GD-ĐT tiếng Anh là thế mạnh của người Việt nên EMG đã chọn chuẩn giáo viên cao nhất của Cambridge là người bản ngữ. Nghĩa là giáo viên phải xuất thân từ những nước mà tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất. Những người này phải có thân nhân tốt, có đủ bằng cấp giảng dạy, khả năng sư phạm và nhất là kinh nghiệm làm việc trong môi trường mà ngôn ngữ chính không phải là tiếng Anh. Việc tuyển lựa trải qua các vòng: sơ khảo, giảng bài thử, thể hiện văn hóa ứng xử, trình độ sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị học tập...

* Sở GD-ĐT có quản lý về chất lượng chương trình và giáo viên không, thưa bà?

- Thỉnh thoảng Sở có dự giờ, có ghi hình lại trên lớp và trao đổi với chúng tôi về chuyên môn. Định kỳ Sở cũng có đánh giá về chương trình. Danh sách giáo viên, bằng cấp, chất lượng giáo viên thì quận và Sở có yêu cầu lúc nào EMG cũng cung cấp.

* Có dư luận cho rằng EMG “chiết khấu” cho Sở, phòng giáo dục và các trường có giảng dạy chương trình Cambridge, cũng như thường xuyên tổ chức cho lãnh đạo Sở và các trường tham quan châu u?

- Phía EMG đã, đang và sẽ luôn luôn quan tâm cùng Cambridge, Đại sứ quán Việt Nam tạo điều kiện cho các đoàn nếu có nhu cầu muốn tham quan nhằm mục đích tạo cho những người làm giáo dục Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm với các bạn nước ngoài. Còn vấn đề này (chiết khấu - PV), xin gửi câu hỏi đến Sở vì liên quan đến phòng giáo dục và Sở.

CIE chi nhánh châu Á -Thái Bình Dương:
Không có trách nhiệm theo dõi và quản lý chất lượng

Phóng viên văn phòng Báo Thanh Niên tại Singapore đã liên lạc chi nhánh châu Á - Thái Bình Dương của CIE. Giám đốc chi nhánh là tiến sĩ Ben Schmidt và người phụ trách thị trường Việt Nam là ông Melvyn Lim. Ông Schmidt gửi đến Thanh Niên một “thông cáo” ngắn nói rằng CIE đưa chương trình của mình vào Việt Nam thông qua EMG vì đây là “đối tác tin cậy của chính phủ”.

Về những câu hỏi liên quan đến trách nhiệm, CIE đã khẳng định họ không có trách nhiệm theo dõi và quản lý chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất cũng như kết quả giảng dạy các chương trình CIE. “Cambridge làm việc với EMG. Công ty này có trách nhiệm quản lý các trường công ở TP.HCM và trả lời mọi thắc mắc của học viên, phụ huynh và giáo viên”, thông cáo của CIE nêu rõ.

CIE cũng bỏ qua, không trả lời câu hỏi về sách giáo khoa và giá sách mà phụ huynh than phiền là không minh bạch và đắt một cách vô lý.

Thục Minh
 (Văn phòng Singapore)

CIE (Anh quốc)
Không nhất thiết phải thông qua đại diện CIE

Ông Adele Williams, Giám đốc quan hệ quốc tế của CIE (Anh quốc), cho biết bất kỳ trường nào có nhu cầu giảng dạy theo chương trình của CIE đều có thể liên hệ trực tiếp với CIE, không nhất thiết phải thông qua cơ quan đại diện được CIE chấp thuận. Để trở thành trường giảng dạy theo CIE, trường đó phải trải qua khoảng thời gian giám định xem có đáp ứng yêu cầu của CIE hay không. Theo ông Williams, nếu trường nào không đáp ứng được quy trình thì CIE sẽ hỗ trợ và hướng dẫn tiếp cho đến khi hội đủ điều kiện. Khi chấp thuận, CIE cũng sẽ hỗ trợ trường đào tạo giáo viên theo tiêu chuẩn của chương trình. Chi phí để một trường được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn của CIE áp dụng chung nhất.

Minh Quang
(Văn phòng Thái Lan)

Đăng Nguyên  (thực hiện)

>> Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi ?
>> Họ đã trở lại - Kỳ 4: Dạy tiếng Anh ở Sơn Mỹ
>> TP.HCM giảm số trường dạy tiếng Anh tự chọn
>> Tuyển 29 giáo viên Philippines dạy tiếng Anh
>> Dạy tiếng Anh miễn phí cho tài xế, xe ôm và tiểu thương
>> Dạy tiếng Anh cho công an theo chuẩn quốc tế
>> Tình nguyện dạy tiếng Anh cho trẻ khuyết tật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.