Ông Nguyễn Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu cho hay, trước đây hạn chót xóa chợ tạm này là 15.4, do tiểu thương phản ứng nên dời đến 23.5 và tiếp tục gia hạn đến 2.6 nhưng sau đó tiểu thương không chấp hành nên sáng 3.6 mới đưa lực lượng xuống giải tỏa.
|
Theo ông Bình, chợ tạm không đảm bảo mỹ quan, vệ sinh môi trường nên địa phương xây chợ mới Hòa Châu với kinh phí 5,735 tỉ đồng, trong đó 50% ngân sách thành phố, còn lại tiểu thương đóng góp bằng cách mua mặt bằng. Chợ có 10 ki ốt (bình quân 98 triệu đồng/ki ốt) và 78 sạp (bình quân 37 triệu đồng/sạp và hàng ướt bình quân 23 triệu đồng/sạp). Tiểu thương chợ tạm được ưu tiên mua theo giá trên và bốc thăm vị trí còn tiểu thương mới mua qua đấu giá.
Bà Lê Thị Muốn (57 tuổi, trú thôn Đông Hòa, xã Hòa Châu) bán rau sống cho rằng, chợ tạm tồn tại 20 năm qua nhiều lần thay đổi địa điểm, là kế sinh nhai của 39 tiểu thương, chợ mới xây theo phương án ngân sách 50%, tiểu thương 50% nhưng không lấy ý kiến tiểu thương, khi xây xong lại áp đặt mức giá quá cao là không chấp nhận được. Theo bà Nguyễn Thị Kim Châu (47 tuổi) bán gà vịt thì các chợ nông thôn tương đương khác giá mua sạp chỉ 7 triệu đồng. Bà Trần Thị Bợp (58 tuổi, cùng trú thôn Đông Hòa) cho rằng chợ mới Hòa Châu không có địa thế nên phải hạ giá mặt bằng cho tiểu thương.
Chợ mới nằm ở khu B nam Cẩm Lệ, hiện chỉ lác đác vài nhà dân mới xây đến nỗi ông Nguyễn Bình cũng phải thừa nhận do dân chưa đông nên con đường chưa được thảm nhựa, do đó ông Bình cũng khẳng định thời gian đầu tiểu thương vào chợ mới thì người mua chưa đông lắm. Cũng theo ông Bình, chỉ cần chợ mới có tiểu thương là đi vào hoạt động, tuy nhiên kế hoạch khai trương chợ mới từ tháng 4, rồi tháng 5 và đầu tháng 6 đều phá sản bởi ban đầu 39 tiểu thương chợ tạm đều đăng ký nhưng thấy giá mặt bằng cao nên rút lui. Đối với 120 tiểu thương mới, họ đăng ký vào tháng 4 nhưng hiện chỉ mới có 8 hộ đồng ý nộp tiền để đấu giá, cũng vì giá quá cao.
Điều tiểu thương bức xúc hơn cả, là chợ mới chưa hoạt động, cũng như các chính sách ưu đãi như miễn thuế trong 3-6 tháng cũng chỉ đang xem xét, chưa đảm bảo ổn định cho tiểu thương buôn bán, nhưng chính quyền địa phương đã quyết liệt giải tỏa chợ tạm, chặn đường mưu sinh của họ.
Nhưng vấn đề ở chỗ, điều tiểu thương cần nhất không phải đường vào chợ, mà là khu vực đông dân cư để bán buôn thuận lợi. Đã có nhiều bài học về xây chợ rồi bỏ hoang ở nông thôn mà nguyên nhân là việc xây chợ không bắt nguồn từ nguyện vọng tiểu thương cũng như nhu cầu về địa điểm mua sắm của người dân, mà do ý chí chủ quan của chính quyền. Nên mới có tình trạng, chợ tiền tỉ thì vắng hoe, lãng phí mà chợ cóc thì vẫn không dẹp được.
Nguyễn Tú
>> Vào tận chợ cho tiểu thương vay vốn
>> Tiểu thương chợ truyền thống tự cứu mình
>> Tiểu thương bỏ sạp vì chợ tự phát
Bình luận (0)