Dạy và học trực tuyến: Từ bỡ ngỡ đến động lực thay đổi giáo dục

24/03/2020 10:07 GMT+7

Từ chỗ sinh viên bỡ ngỡ, thầy cô bỡ ngỡ thì hôm nay những tiếng cười, những lời chào vui vẻ đã vang lên khi kết thúc buổi học. Đây là nhận xét của một giảng viên sau nhiều tuần thực hiện dạy học trực tuyến .

Khi các trường đại học dạy và học trực tuyến, sinh viên có thể học và thi ở nhà hoặc tập trung cuối mỗi môn học kết thúc tại cơ sở đào tạo. Việc các trường học trực tuyến ra đời phần lớn hướng đến những người không có điều kiện đến lớp học truyền thống, nhưng có thể học mọi lúc mọi nơi. Các trường như thế đã có ở nhiều nước phát triển.
Từ hơn 10 năm trước, 2 trường đại học mở Hà Nội và TP.HCM được cấp phép cho các chương trình đào tạo e-learning, nhiều người đã tốt nghiệp ở 2 trường này mà thời gian tập trung cho toàn khóa học (4 năm) chỉ khoảng vài ba tháng.
Trên truyền hình cho biết mới đây một học sinh phổ thông đã tham gia chương trình của trường đại học trực tuyến FUNiX (FPT) ngành kỹ thuật phần mềm từ cách đây 18 tháng, khi em vừa mới bước vào đầu năm học lớp 10. Đó là nữ sinh Nguyễn Vũ Khánh Linh (17 tuổi, học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long, Quảng Ninh), đã học xong 6/8 chứng chỉ sẽ tốt nghiệp vào tháng 7.2020.
Mới qua 18 tháng học trực tuyến, Khánh Linh đã hoàn thành 6/8 chứng chỉ thuộc chương trình đào tạo Kỹ sư kỹ thuật phần mềm. Nếu Khánh Linh vẫn tiếp tục tiến độ học tập như hiện nay, dự kiến tháng 7.2020, Khánh Linh sẽ tốt nghiệp đại học trực tuyến FUNiX và sẽ trở thành kỹ sư phần mềm trẻ nhất VN và là người tốt nghiệp đại học trẻ nhất VN. Điều đặc biệt là Khánh Linh sẽ tốt nghiệp đại học trước khi tốt nghiệp phổ thông 1 năm.
Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ GD-ĐT, cho biết: “Đây mới chính xác là giáo dục dựa trên phát triển năng lực người học”.
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, các trường học, thầy cô giáo vốn trước đó ít quan tâm đến dạy học trực tuyến, học sinh, sinh viên còn ít biết đến hình thức học này thì giờ đây, hầu hết các trường đại học ở TP.HCM cũng như trên cả nước đã chính thức đưa e-learning vào nhà trường và dạy học trực tuyến ở hầu hết các môn học lý thuyết.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, mô tả ngắn gọn lớp học mà anh tổ chức. “Từ chỗ sinh viên bỡ ngỡ, thầy cô bỡ ngỡ thì hôm nay những tiếng cười, những lời chào vui vẻ đã vang lên khi kết thúc buổi học. Nhiều sinh viên phát biểu họ thực sự vui vì đã được học, đã nắm được bài học; nhiều bạn vốn trước đó rất nhút nhát thì hôm nay đã trở nên năng động hơn trước khi có dịch Covid-19, trước khi học online”.
Chỉ trong vòng 2 tháng, chính xác là trong vòng 5 tuần, đã có sự thay đổi trong giáo dục. Sự nỗ lực của nhà trường, của thầy cô đã làm nên điều này tuy còn phải chờ đợi một thời gian nữa mới đánh giá được những kết quả mà dạy và học trực tuyến mang lại.
Mong dịch Covid-19 nhanh chóng kết thúc nhưng cũng mong không kém sự thay đổi của giáo dục sau dịch. Giáo dục vốn bảo thủ, Covid-19 đã làm cho giáo dục năng động hơn qua việc dạy và học trực tuyến. Biết đâu, giáo dục sẽ đi đầu trong mọi thay đổi trong thời gian tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.