Điều này dẫn đến lo lắng về khiếm khuyết của học sinh khi học văn hiện nay là thiếu cái nhìn hệ thống về văn học qua các giai đoạn; thiếu cơ sở để nhận diện tác giả, tác phẩm qua các thời kỳ từ đó có căn cứ hiểu sâu sắc hơn về tác phẩm...
Không còn học văn theo trục thời gian
Với Chương trình GDPT 2006, môn văn được xây dựng theo trục thời gian. Theo đó, học sinh được học những thể loại có trước, giai đoạn trước rồi đến những giai đoạn văn học gần đây: văn học dân gian, văn học trung đại (theo diễn tiến 4 giai đoạn), văn học hiện đại (từ đầu thế kỷ XX - 1945, từ 1945 - 1975, từ 1975 – hết thế kỷ XX). Trước khi học tác phẩm của mỗi giai đoạn, học sinh được học bài khái quát văn học của giai đoạn đó. Điều này giúp người học hiểu sâu về hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa của từng giai đoạn; nắm rất chắc tác giả đó thuộc giai đoạn nào, thuộc trào lưu sáng tác gì... Theo đó, học sinh được hệ thống chương trình khá tường tận theo từng giai đoạn.
Trong khi đó, ở Chương trình GDPT 2018, từ lớp 6 đến lớp 12, các tác phẩm sắp xếp một cách tự do, không theo trật tự thời gian ra đời trước sau. Có những tác phẩm rất hiện đại được sắp xếp dạy học trước, và cũng có những tác phẩm cổ điển nhưng phải đến gần cuối chương trình THPT mới được học. Học sinh (không học chuyên đề môn văn) không có bài khái quát văn học sử như chương trình 2006.
Chương trình GDPT 2018 không dựa vào trục chính là thời gian để cách cung cấp kiến thức văn học theo lịch sử như chương trình 2006 mà chủ yếu lấy yêu cầu về kỹ năng đọc, viết, nói và nghe làm cơ sở.
Chương trình mới hướng đến tính ứng dụng
Cả 2 chương trình đều lấy tiêu chí về đặc trưng thể loại (văn bản văn học, nghị luận, thông tin) làm căn cứ để chọn văn bản. Tuy nhiên, Chương trình GDPT 2018 hướng đến tính ứng dụng (nhật dụng) nhiều hơn trong việc học văn, nên văn bản được chọn rất phong phú, đa dạng. Nhiều văn bản rất mới, chưa từng được nhắc đến trong các bài khái quát văn học sử trước đây. Điều này phù hợp với quan điểm chương trình là hướng đến dạy kỹ năng chứ không quá chú trọng kiến thức.
Học giả Nguyễn Hiến Lê trước đây có lý khi cho rằng cái khó trong việc học văn của học sinh khi ấy là những lớp nhỏ tuổi thì học các văn bản cổ, rất khó tiếp nhận, còn những lớp lớn thì học các tác phẩm hiện đại, gần gũi với ngôn ngữ và đời sống của họ hơn. Cho nên việc học văn theo tiến trình lịch sử cũng có cái hay, song cũng có nhiều bất lợi.
Lý giải cho cách xây dựng chương trình mới không theo trình tự thời gian, TS Nguyễn Thành Thi (Chủ biên bộ sách ngữ văn Chân trời sáng tạo) nêu quan điểm trong lần tập huấn sách giáo khoa cho giáo viên mới đây: "Không cần thiết phải dạy văn bản theo tiến trình lịch sử, mà qua từng bài học, học sinh có thể hình dung và nhìn nhận đúng được hoàn cảnh các tác phẩm ấy". Quan điểm của những người viết chương trình là trên tinh thần giảm tải kiến thức. Tuy nhiên, vẫn có "đất" cho trò "dụng võ", cho học sinh có cơ hội học chuyên sâu. Đó là những lớp học theo tổ hợp có chuyên đề môn văn giúp học sinh tìm hiểu rất kỹ môn văn một cách có hệ thống hơn.
Bình luận (0)