ĐBSCL có nguy cơ thiếu nước

30/03/2013 11:12 GMT+7

Số liệu quan trắc từ năm 2000 đến nay cho thấy dòng chảy mùa lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông xuống vùng đồng bằng ngày càng giảm sút rõ rệt, ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…

ĐBSCL có nguy cơ thiếu nước
Nguồn cá trên sông Mê Kông nuôi sống hàng triệu người dân ven bờ - Trong ảnh: Đánh bắt cá ở An Giang

Nguồn nước đang bị đe dọa

Vùng ĐBSCL là nơi tiếp nhận toàn bộ nước từ sông Mê Kông đổ về, cộng thêm lượng mưa tại chỗ, rồi lần lượt chảy ra biển Đông. Với đặc điểm địa hình thấp và phẳng, nằm ở hạ lưu, ĐBSCL có hệ thống kênh rạch dày đặc, chiếm nhiều kỷ lục quốc gia liên quan đến tài nguyên nước. Mỗi năm, sông Mê Kông chuyển về vùng đồng bằng từ 450 - 470 tỉ m3 nước và tải khoảng 160 triệu tấn phù sa. Sông Mê Kông cũng mang lại nguồn cá tự nhiên rất lớn cho người dân đồng bằng, đạt khoảng 35 kg cá tự nhiên/năm/người. Tổng lượng nước ngầm ở ĐBSCL ước đạt từ 85 - 90 triệu m3/ngày. Đồng thời, ĐBSCL là vùng đất ngập nước lớn nhất Việt Nam, vùng này đang có 10 khu bảo tồn đất ngập nước nổi tiếng, 2 khu bảo tồn Ramsar, 2 địa danh được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nhờ những yếu tố thuận lợi về đất, nước, khí hậu, ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản lớn nhất Việt Nam.

PGS-TS Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường ĐH Cần Thơ) nhận định: “Từ năm 2000 đến nay, dòng chảy mùa lũ từ thượng nguồn xuống vùng đồng bằng ngày càng giảm sút rõ rệt. Lũ thấp kết hợp với tình trạng không khí khô nóng làm nguồn nước hiếm hoi ở vùng đồng bằng bốc thoát hơi mãnh liệt. Từ đó, làm cho vùng ven biển bị khô hạn, nước mặn từ biển Đông xâm nhập vào đất liền”. Có năm, mùa lũ của sông Mê Kông đổ về có thể lên đến 40.000 m3/s nhưng trong mùa khô có thể tụt xuống 1.200 - 1.700 m3/s. Lũ thấp làm nguồn cá tự nhiên sụt giảm, lượng phù sa cũng ít đi khiến nông dân sử dụng phân bón nhiều hơn.

Cũng theo ông Tuấn, chính sách phát triển kinh tế nhanh chóng nhưng thiếu kiểm soát, cộng thêm việc gia tăng dân số khiến chất lượng nguồn nước ở ĐBSCL ngày càng xấu hơn. Việc gia tăng hình thức thâm canh, tăng vụ trong sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc khiến nguồn nước bị nhiễm dư lượng các loại nông dược, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… Biến đổi khí hậu trong tương lai cũng sẽ tác động lên tài nguyên nước như làm gia tăng khô hạn, lượng mưa thay đổi bất thường, cuộc sống cư dân ngày càng khó khăn khi thiếu nguồn nước sinh hoạt và sản xuất.

Chia sẻ hài hòa nguồn nước

Sông Mê Kông chảy qua 6 quốc gia bao gồm: Trung Quốc, Myanmar, Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Sông Mê Kông phục vụ sản xuất nông nghiệp và hệ thống thủy lợi, phát triển kinh tế và ổn định xã hội cho khoảng 60 triệu người sinh sống trong lưu vực. Một vấn nạn nhức nhối hiện nay mà các nhà khoa học lên tiếng là việc các nước thượng nguồn xây đập thủy điện. Theo TS Đào Trọng Tứ (Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu), thượng nguồn sông Mê Kông hiện ước tính có khoảng 300 dự án thuỷ điện lớn nhỏ trên các dòng sông nhánh, trong đó khoảng 1/3 dự án thuỷ điện đã được tiến hành. Từ năm 1993 đến nay, Trung Quốc đã xây dựng 4 công trình ngăn dòng chính sông Mê Kông. Dự kiến đến năm 2020, Trung Quốc sẽ có 8 nhà máy thủy điện đưa vào vận hành; đến năm 2040 sẽ xây thêm 6 - 7 nhà máy thủy điện nữa. Tất cả các hoạt động khai thác tài nguyên nước trên sông Mê Kông, Trung Quốc đều thực hiện đơn phương, không có bất cứ hợp tác nào với các nước ở hạ lưu. “Trung Quốc cùng chia sẻ nguồn nước trên sông Mê Kông nhưng chưa bao giờ bày tỏ tham gia cơ chế hợp tác Mê Kông với các quốc gia hạ lưu”, ông Tứ đánh giá. Cụ thể, Trung Quốc từ chối ký Công ước về không điều hướng sử dụng nguồn tài nguyên nước quốc tế năm 1997 của Liên Hiệp Quốc, không tham gia Ủy hội sông Mê Kông, xây dựng hàng loạt con đập ở thượng nguồn bất chấp sự phản đối của các nước hạ nguồn, và cảnh báo của chuyên gia và hậu quả của nó gây thiệt hại nặng nề cho các nước hạ nguồn, đặc biệt là Biển Hồ của Campuchia và vùng ĐBSCL.

GS-TS Ngô Đình Tuấn (Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Tài nguyên nước và môi trường Đông Nam Á) đề nghị: “Các nước thượng nguồn trước khi khởi công công trình thủy điện, thủy lợi có ảnh hưởng tiêu cực đến các nước hạ lưu cần nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược và thông báo rõ ràng cho các nước hạ lưu. Đồng thời, cần có thỏa thuận giữa các quốc gia cùng sử dụng chung nguồn nước”. Còn TS Đào Trọng Tứ cho rằng hợp tác khai thác tài nguyên nước là cơ hội cho tất cả các quốc gia cùng chia sẻ dòng sông Mê Kông. “Nước là một yếu tố quan trọng trong sinh hoạt, sản xuất của người dân ĐBSCL. Vì vậy, quy hoạch nguồn nước cần làm đồng bộ, phải đặt trong bối cảnh cấp liên vùng, lãnh thổ địa lý quốc gia và liên quốc gia”, PGS-TS Lê Anh Tuấn đề nghị.

Thanh Nhàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.