ĐBSCL đối diện hạn mặn khốc liệt, người dân chủ động nhiều biện pháp thích ứng

Nam Long
Nam Long
24/02/2021 11:40 GMT+7

Trước dự báo tình hình hạn, mặn trong mùa khô năm 2021 sẽ gay gắt hơn, người dân Vĩnh Long chủ động thực hiện nhiều biện pháp thích ứng.

Vườn cây không ra trái vì hạn, mặn

Theo số liệu của UBND H.Long Hồ (Vĩnh Long), đợt hạn, mặn mùa khô năm 2020 đã gây thiệt hại nặng nề đối với người dân 5 xã của huyện này. Trong đó nặng nhất là 2 xã cù lao Bình Hòa Phước và Đồng Phú với 1.171/1.206 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng, thiệt hại trên 3 tỉ đồng. Trước thiệt hại nặng nề như vậy, nhiều hộ dân đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để thích ứng với hạn, mặn như: đào ao chứa nước, trải bạt trữ nước trong mương vườn, đầu tư túi trữ nước…

Đợt hạn mặn năm 2020 làm hàng chục hec-ta cây ăn trái thiệt hại không thể phục hồi

ẢNH: XUÂN PHÚC

Anh Võ Anh Quốc (24 tuổi, ngụ ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước, H.Long Hồ) cho biết, đợt xâm nhập mặn năm rồi quá bất ngờ khiến anh không có biện pháp thích ứng kịp thời. Hậu quả là gần 30 công chôm chôm và nhãn của gia đình không ra trái, thiệt hại gần 500 triệu đồng. Anh phải tốn rất nhiều tiền bạc và công sức mới phục hồi lại được vườn chôm chôm.

Ao trữ nước ngọt hơn 1 công đất của gia đình anh Quốc

ẢNH: XUÂN PHÚC

“Rút kinh nghiệm năm rồi, năm nay tôi đốn hơn 1 công vườn, thuê máy múc đào ao trữ nước, trải mủ để mặn không ngấm vào. Với cái ao này chắc cũng đủ tưới khi mặn lên, khi nào mặn xuống thì tiếp tục bơm nước vào trữ. Hiện cây ra đang đọt lại rồi, vài ngày nữa là tiến hành đậy mủ nên phải trữ nước trước”, anh Quốc chia sẻ.

Anh Quốc phấn khởi khi vườn chôm chôm của gia đình đang đâm chồi phục hồi sau đợt mặn lịch sử năm 2020

ẢNH: XUÂN PHÚC

Chủ động ứng phó và thích ứng

Tương tự, bà Trương Ngọc Đảnh (60 tuổi, ngụ ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước) cho biết hạn mặn năm rồi khiến 5 công sầu riêng của gia đình không đậu trái được. Năm nay, bà đầu tư hơn 10 triệu đồng mua 2 túi trữ nước (30 m³/túi) và thuê người vét một mương vườn lớn để dự trữ nước.
“Năm rồi tôi phải mua nước ngọt về tưới giúp cây vượt qua hạn, mặn được ngày nào hay ngày nấy chứ không đậu được trái nào. Năm nay, tôi mua túi trữ nước ngọt để tưới. Mà chắc tưới cũng không đủ, chỉ giúp cây vượt qua đợt mặn ngắn thôi. Hy vọng năm nay mặn không kéo dài để bà con đỡ khổ, chứ mất mùa thêm lần nữa thì gia đình không biết lấy gì để sống”, bà Đảnh nói.

Nhiều hộ dân ở xã cù lao Bình Hòa Phước, H.Long Hồ, Vĩnh Long đầu tư túi trữ nước ngọt để ứng phó hạn, mặn

ẢNH: XUÂN PHÚC

Ông Nguyễn Hoàng Thuấn (53 tuổi, ngụ ấp Phú Mỹ 1, xã Đồng Phú, H.Long Hồ) cho biết sầu riêng được ông chăm bón đến nay đã phục hồi. Để tránh thiệt hại cho vườn sầu riêng và chôm chôm như năm rồi, năm nay ông vét hết mấy cái mương vườn rồi trải mủ để vừa trữ nước, vừa tránh mặn ngấm vô. Ông hy vọng sẽ vượt qua được đợt hạn mặn mùa khô 2021 này.

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, mực nước sông Mê Kông ở lưu vực ÐBSCL đang xuống thấp, tình hình xâm nhập mặn sắp bước vào thời kỳ ảnh hưởng cao điểm cuối tháng 2 do xả thấp kéo dài kết hợp triều cường. Dự báo từ ngày 25 - 28.2 (trùng với kỳ rằm tháng giêng), mặn sẽ tiếp tục lên cao đợt 2, độ mặn 4gram/lít có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long từ 48 - 70 km, từ 75 - 90 km trên sông Vàm Cỏ và từ 50 - 55 km trên sông Cái Lớn.

Ngày 22.2, bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch UBND H.Long Hồ, cho biết để giảm thiểu thiệt hại như năm trước, ngay từ đầu năm 2021, huyện đã triển khai 14 công trình thủy lợi và khảo sát để xây dựng các đập giả tại 2 xã cù lao Bình Hòa Phước và Đồng Phú nhằm chủ động ứng phó với hạn, mặn.
“UBND huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn - nhất là các xã cù lao, thường xuyên theo dõi độ mặn trên các sông, kênh, rạch; chủ động khuyến cáo người dân tích trữ nước ngọt phục vu sinh hoạt và tưới tiêu; đóng các cống, bọng trữ nước khi độ mặn lên cao”, bà Hạnh thông tin thêm.
Tuy vậy, các biện pháp ứng phó hạn, mặn trên chỉ là biện pháp tình thế trước mắt. Thiết nghĩ, ngành hữu quan cần có biện pháp căn cơ hơn để người dân yên tâm sản xuất, tránh khỏi điệp khúc đến hẹn mặn lại lên như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.