ĐBSCL sẽ có 1.166 km đường cao tốc

Quang Minh Nhật
Quang Minh Nhật
17/03/2022 16:11 GMT+7

Mạng lưới giao thông ĐBSCL đến năm 2030 được triển khai đồng bộ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Ngày 17.3, thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 287/QĐ-TTg (QĐ287) phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quyết định, thời gian tới, mạng lưới giao thông ĐBSCL được triển khai đồng bộ, rộng khắp, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.

Nhà ga Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc

QUANG MINH NHẬT

Cụ thể, hệ thống đường cao tốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có tổng chiều dài khoảng 1.166 km, bao gồm 3 trục dọc kết nối vùng ĐBSCL - vùng Đông Nam bộ và 3 trục ngang gắn kết hệ thống cảng biển với các cửa khẩu quốc tế. 3 trục dọc cao tốc gồm: Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau dài 245 km; Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Đức Hòa (Long An) - Rạch Sỏi (Kiên Giang) dài 180 km; Tuyến cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài 150 km. 3 trục ngang cao tốc gồm có: Tuyến cao tốc Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191 km; Tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá (Kiên Giang) - Bạc Liêu dài 212 km; tuyến cao tốc Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Trà Vinh dài 188 km.

Hệ thống quốc lộ (QL) tập trung cải tạo, nâng cấp những tuyến chính yếu trong đó đặc biệt ưu tiên các QL kết nối với những địa phương chưa có đường cao tốc (QLN1, QL1, QL50, QL60, QL61C, QL62, QL30, QL80, QL91, QL63, đường Nam Sông Hậu; đường Quản Lộ) với tổng chiều dài 1.851 km.

Hệ thống đường ven biển do địa phương đầu tư xây dựng đảm bảo phù hợp Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và dự kiến tuyến đường ven biển đi qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, có tổng chiều dài hơn 785 km.

Mạng lưới đường sắt vùng ĐBSCL giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm 1 tuyến từ TP.HCM - TP.Cần Thơ dài 174 km.

Hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phát triển 13 cụm cảng hàng hóa có tổng công suất hàng hóa thông qua đạt trên 53 triệu tấn/năm.

Hệ thống cảng biển đến năm 2030 đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua từ 64 - 80 triệu tấn/năm, hành khách từ 6,1- 6,2 triệu lượt khách/năm.

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang) đóng vai trò cảng hàng không phục vụ khách quốc tế và trong nước. Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ là trung tâm đầu mối phát triển logistics hàng không của vùng ĐBSCL. Cảng hàng không Rạch Giá và Cảng hàng không Cà Mau, ngoài vai trò Cảng hàng không nội địa còn là trung tâm đào tạo, huấn luyện bay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.