Là đầu mối trung chuyển hàng hóa của cả 2 vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, lại có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, phong phú, nhưng việc kết nối giao thông đường thủy nội địa giữa TP.HCM với các tỉnh khu vực Đông, Tây Nam bộ có giá thành cao vì việc kết nối còn nhiều bất cập.
Báo cáo của Bộ GTVT cho biết thời gian vừa qua, các dự án gồm: Dự án nâng cấp hai tuyến đường thủy phía nam và cảng Cần Thơ (652 km); Dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL dài 401 km và Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo hoàn thành giai đoạn 1 đã hình thành 1.053 km tuyến đường thuỷ nội địa Trung ương. Các tuyến đường thủy kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL hầu hết đã được đầu tư, nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp 3 (riêng 28,5 km kênh Chợ Gạo hiện mới được nâng cấp giai đoạn 1 nên chỉ đạt cấp 2, hạn chế cho tàu trọng tải 600 tấn hành thủy) đã mang lại một dáng vẻ mới cho hệ thống giao thông thủy nội địa khu vực này.
Tuy nhiên, Bộ GTVT đánh giá khả năng kết nối giữa đường thủy nội địa với đường bộ, đường biển còn có những nút thắt cần được tháo gỡ. Đơn cử, khoang thông thuyền một số cầu chưa đảm bảo theo cấp quy hoạch (cầu Măng Thít, cầu Chợ Lách 1, cầu Chợ Lách 2, cầu Nàng Hai) đã làm hạn chế cỡ tàu thông qua, đặc biệt chỉ cho thông qua tàu chở container đến 2 lớp.
Đặc biệt, một trong những “nút thắt” của khu vực ĐBSCL là tuyến kênh Chợ Gạo. Do nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn chế, nên mới chỉ đầu tư giai đoạn 1, các đoạn bờ kênh chưa được kè bảo vệ, xuất hiện tình trạng sạt lở, gây bồi lắng luồng. Trong khi đó, từ cảng biển TP.HCM (trên sông Soài Rạp) kết nối đến cảng biển Cần Thơ (trên sông Hậu) hiện nay thông qua 4 tuyến luồng đường thủy nội địa chính thì cả 4 tuyến đều đi qua kênh Chợ Gạo dẫn đến quá tải.
Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía nam, dự kiến khởi công vào 2021 và hoàn thành năm 2025. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và an toàn của hai tuyến đường thủy nội địa trọng điểm ở ĐBSCL và Đông Nam bộ; đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận và di chuyển từ ĐBSCL cũng như các khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai kết nối với TP.HCM cùng các cảng nước sâu xuất nhập khẩu dọc sông Thị Vải.
Theo kế hoạch phát triển mạng lưới đường thủy nội địa tại TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050, Sở GTVT TP cũng sẽ thông qua 5 tuyến: Duyên hải Sài Gòn - Cà Mau và tuyến ven biển từ TP.HCM đến Kiên Giang, Sài Gòn - Hà Tiên, Sài Gòn - Kiên Lương, Sài Gòn - Cà Mau.
Cùng với đó, TP.HCM đã đặt kế hoạch dồn lực phát triển mạng lưới đường sắt hiện đại vận chuyển hàng hóa thông suốt, kết nối các cảng biển quan trọng của TP.HCM và khu vực phía nam. Cụ thể, trong 10 năm tới sẽ khởi công xây dựng 5 tuyến đường sắt tốc độ cao gồm tuyến TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ (dự kiến kéo dài đến Cà Mau); tuyến TP.HCM - Tây Ninh (định hướng kéo đến cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát); đường sắt Thủ Thiêm - sân bay Long Thành; tuyến đường sắt đôi chuyên dụng được nghiên cứu kết nối từ đường sắt quốc gia đến cảng Hiệp Phước (TP.HCM), cảng Long An và tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Bình luận (0)