ĐBSCL thiếu giáo viên trầm trọng

10/08/2023 06:07 GMT+7

Giải quyết thực trạng thiếu giáo viên đang là vấn đề khó khăn đối với nhiều tỉnh, thành ĐBSCL. Một số địa phương dù đã áp dụng chính sách hỗ trợ nhưng không thu hút được bao nhiêu giáo viên.

LƯƠNG VÀ ĐÃI NGỘ THẤP, KHÓ TUYỂN DỤNG

Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ, cho biết thành phố đang thiếu 688 giáo viên (GV) ở 4 cấp học (mầm non thiếu 160 GV, tiểu học thiếu 313 GV, THCS thiếu 110 GV và THPT thiếu 105 GV). Ngoại trừ mầm non, 3 cấp học còn lại đều thiếu nhiều GV môn âm nhạc, mỹ thuật, tin học và tiếng Anh.

ĐBSCL thiếu giáo viên trầm trọng  - Ảnh 1.

Thu nhập không cao so với các nghề khác nhưng áp lực công việc của giáo viên đang có chiều hướng tăng lên

TRẦN NGỌC

Theo ông Bình, nguyên nhân chính dẫn đến thiếu GV xuất phát từ việc 4/9 quận, huyện (Ninh Kiều, Cái Răng, Thốt Nối, Vĩnh Thạnh) chưa thực hiện công tác tuyển dụng GV, còn 5/9 địa phương đã tuyển dụng thì kết quả không cao do số lượng người đăng ký dự tuyển ít hơn chỉ tiêu trong kế hoạch. Nan giải nhất là 2 môn âm nhạc và mỹ thuật khi không tuyển được GV nào.

Với mức lương cơ sở 4,2 triệu đồng/tháng như hiện nay thì rất khó để ngành giáo dục thu hút nguồn nhân lực và giúp giáo viên yên tâm công tác lâu dài.


Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ

Một lý do nữa là thời gian qua Cần Thơ có số lượng GV nghỉ hưu, nghỉ việc, nghỉ theo chế độ tinh giản biên chế rất đáng kể. Trong khi đó, nguồn GV kế thừa, vào ngành công tác lại khiêm tốn do chế độ tiền lương, đãi ngộ, phụ cấp còn thấp. "Với mức lương cơ sở 4,2 triệu đồng/tháng như hiện nay thì rất khó để ngành giáo dục thu hút nguồn nhân lực và giúp GV yên tâm công tác lâu dài", ông Bình nói.

CÓ CHÍNH SÁCH THU HÚT NHƯNG VẪN KHÔNG CÓ NGƯỜI

Tương tự, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang, cho biết năm học 2023 - 2024 tỉnh này gặp nhiều khó khăn về đội ngũ GV. Năm học 2022 - 2023 thiếu 846 GV nhưng hiện nay con số này đã tăng lên 1.196 GV.

Từ thực tế trên, các huyện, thị xã, thành phố của Hậu Giang đều có nhu cầu hợp đồng GV trong năm học mới. Cụ thể, toàn tỉnh cần hợp đồng 427 GV. Trong đó, cấp mầm non cần nhiều nhất (218 GV), tiểu học 105 GV, THCS 92 GV, THPT 12 GV. Các địa phương đang thiếu nguồn nhân lực đáng kể nhất là H.Phụng Hiệp (159 GV), tiếp đến là H.Châu Thành (97 GV), H.Long Mỹ (41 GV) và TP.Vị Thanh (38 GV).

Theo Sở GD-ĐT Hậu Giang, tình trạng thiếu GV xảy ra nhiều nhất các môn: âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh và tin học. Những môn học này mới được triển khai trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 nên hầu như các địa phương đều thiếu. Nguồn GV dự tuyển hạn chế, trong khi quy định về trình độ chuẩn của GV từ cấp mầm non đến THCS lại tăng lên so với trước đây. Vì vậy, kết quả tuyển GV không đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.

Trước những khó khăn của ngành giáo dục, tháng 7.2022, HĐND tỉnh Hậu Giang đã ban hành nghị quyết về chính sách thu hút GV giảng dạy các môn âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh và tin học. Những GV được tuyển mới hoặc chuyển về tỉnh công tác được hưởng 50 triệu đồng/người với cam kết làm việc ít nhất 5 năm. Dù vậy, đến nay, chỉ tuyển được 23 GV. Nếu so với thực trạng thiếu 184 GV ở 4 môn học này (năm học 2022 - 2023) thì tỉnh mới giải quyết được 1/8 nhu cầu giảng dạy.

Bà Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, thông tin năm học mới 2023 - 2024, toàn tỉnh cần thêm 852 GV, trong đó nhiều nhất là GV tiểu học, mầm non và GV các môn tiếng Anh, tin học. Nguyên nhân thiếu GV do thu nhập không cao so với các nghề khác nhưng áp lực công việc có chiều hướng tăng nên gần đây GV xin nghỉ hưu trước tuổi và thôi việc khá nhiều.

Mặt khác, việc triển khai chương trình GDPT 2018 yêu cầu GV có cách tiếp cận mới, hiện đại năng động sáng tạo; một số GV, nhất là GV lớn tuổi không đáp ứng được yêu cầu, xin nghỉ hưu, tinh giản biên chế, thôi việc nhiều. Việc tuyển dụng GV các môn tiếng Anh, tin học, các môn năng khiếu gặp khó khăn vì đa phần GV các môn này có nhiều cơ hội việc làm khác với mức thu nhập cao hơn dạy học.

ĐBSCL thiếu giáo viên trầm trọng - Ảnh 3.

Giáo viên Trường THCS Kim Hồng, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp trong một tiết dạy. Năm học mới 2023 - 2024, toàn tỉnh cần thêm 852 GV.

TRẦN NGỌC


LOAY HOAY TÌM GIẢI PHÁP

Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ cho biết giải pháp trước mắt là hợp đồng GV. Tuy nhiên, hiện rất nhiều trường cũng không có nguồn GV để hợp đồng, nhất là các trường nằm xa trung tâm thành phố. Vì vậy, những đơn vị này phải phân thêm giờ cho đội ngũ GV hiện có. Riêng cấp THCS và THPT, do chưa có hoặc chưa đủ nhân sự, nhiều GV phải kiêm nhiệm dạy thêm các môn chưa đúng trình độ chuyên môn, điển hình là: lịch sử, địa lý, khoa học tự nhiên và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và giáo dục địa phương. Điều này khiến hiệu quả truyền đạt của GV không cao, chưa tạo được hứng thú học tập đối với học sinh.

Tuy nhiên, theo Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, giải pháp hợp đồng GV vẫn đang gây ra những xáo trộn nhất định trong quá trình dạy và học.

Việc sắp xếp thời khóa biểu các môn âm nhạc, mỹ thuật ở các trường THPT gặp rất nhiều trở ngại, do đa phần GV hợp đồng đều đang trực tiếp giảng dạy ở cấp THCS. Vì vậy, học sinh thường xuyên phải học dồn, học liên tục một môn, ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức.

Trong thời gian chờ tuyển GV, Cần Thơ đang phối hợp với các cơ sở đào tạo bồi dưỡng GV dạy các môn học mới, đào tạo văn bằng 2. Ngoài ra, ngành giáo dục cũng đang tiếp tục tham mưu UBND TP.Cần Thơ đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét hợp đồng GV có trình độ CĐ sư phạm để có đủ đội ngũ nhà giáo thực hiện hiệu quả chương trình GDPT mới.

Bên cạnh giải pháp hợp đồng GV, với 2 môn âm nhạc và mỹ thuật, Sở GD-ĐT Hậu Giang cho phép các trường THPT trên địa bàn có thể thỉnh giảng các GV có trình độ ĐH đang dạy tại các trường THCS trong tỉnh. Những trường có 2 cấp học THCS - THPT thì có thể phân công GV giảng dạy trực tiếp. Trong trường hợp hợp đồng, GV mầm non được trả 5 triệu đồng người trên tháng (dạy bán trú được hỗ trợ thêm 300.000 đồng/tháng), GV phổ thông là 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, để chuẩn bị năm học mới 2023 - 2024, các địa phương trong tỉnh đang rà soát số liệu học sinh, trường lớp làm cơ sở xây dựng kế hoạch tuyển dụng GV. Về giải pháp trước mắt, tỉnh đã sắp xếp 6 cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ. Đến nay đã thống nhất cho chủ trương sắp xếp Trường THCS và THPT Nguyễn Văn Khải. Thực hiện biệt phái, điều động GV từ trường thừa sang trường thiếu. Thực hiện đào tạo văn bằng 2 đối với GV theo hình thức phù hợp.

Về giải pháp lâu dài, ngành giáo dục Đồng Tháp sẽ tiếp tục tuyển dụng GV hằng năm và đề xuất chính sách thu hút sinh viên sư phạm làm việc tại vùng khó khăn trên địa bàn, nhất là chuyên ngành khó tuyển dụng. Dự kiến, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí (nhà trọ, đi lại) đối với sinh viên sư phạm được tuyển dụng vào các trường khu vực vùng khó khăn, khó tuyển dụng GV của tỉnh trong nhiều năm liền (khoảng 1 triệu đồng/tháng trong 5 năm).

Phú Quốc tuyển GIÁO VIÊN dạy hợp đồng

Chưa đầy 1 tháng nữa năm học 2023 - 2024 bắt đầu. Tuy nhiên, đảo Phú Quốc (Kiên Giang) vẫn còn thiếu hơn 100 GV từ mầm non đến THCS. Hiện, các trường đang rà soát để lên phương án tuyển GV dạy hợp đồng.

Chia sẻ với Thanh Niên, hầu hết lãnh đạo các trường cho biết đang thiếu GV, có trường thiếu đến 9 GV theo định mức. Trước tình hình đó, các trường đã tự tìm GV hợp đồng nhưng giải pháp này gặp khó khăn do mức lương, điều kiện sinh hoạt…

Ông Đỗ Văn Tuân, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Phú Quốc, cho biết theo định hướng quy mô phát triển trường lớp, Phú Quốc hiện thiếu 118 GV từ mầm non đến THCS. Theo kế hoạch, ngày 12.8 tới đây, Phú Quốc tổ chức thi tuyển viên chức ngành giáo dục. Hiện có 101 ứng tuyển đăng ký dự thi, nhưng đây là cuộc thi có tính "tranh chấp" nên dự kiến kỳ thi này chỉ có thể bổ sung được chừng 70 GV. "Ngay sau khi kết thúc kỳ thi, chúng tôi sẽ khẩn trương thực hiện công tác chấm thi, phúc khảo… và phối hợp Phòng Nội vụ TP.Phú Quốc cùng các cơ quan liên quan nhanh chóng hoàn thiện các hồ sơ để sớm có quyết định phân công về phục vụ công tác giảng dạy ở các trường", ông Tuân nói. 

Hoàng Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.