Bản tin cập nhật đến ngày 26.4 cho biết, tại ĐBSCL toàn bộ các nhánh sông Cửu Long xâm nhập mặn vào sâu hơn so với đợt mặn lịch sử 2016 từ 3 - 8 km. Cụ thể, so với năm 2016 ranh mặn 4‰ xâm nhập mặn trên nhánh sông Cửa Tiểu và Cửa Đại sâu hơn 8 km; sông Hàm Luông là 6 km, sông Cổ Chiên 4 km và sông Hậu 3 km.
Hiện tại, sông Vàm Cỏ Đông mặn vào sâu đến 90 km nhưng vẫn kém năm 2016 đến 12 km và sông Vàm Cỏ Tây 100 km, kém năm 2016 khoảng 15 km. Bên cạnh đó, sông Cái Lớn (ở biển Tây) mặn vào sâu 61 km, kém năm 2016 khoảng 6 km.
Đầu năm nay, các dự báo đều cho rằng, năm 2024 xâm nhập mặn gay gắt nhưng không bằng năm lịch sử 2016 và 2020. Nhưng đến thời điểm hiện tại, xâm nhập mặn trên các nhánh sông Cửu Long đã vượt năm 2016 rất nhiều và chỉ còn kém đỉnh mặn năm 2020.
Trong khi đó, tại Tây nguyên, tình trạng khô hạn và thiếu nước tưới đang rất căng thẳng. Có đến 139 hồ chứa nhỏ cạn nước. Dung tích các hồ chứa hiện chỉ còn 34% so với dung tích thiết kế; thấp hơn 11% so với trung bình nhiều năm và tiếp tục giảm 2% so với tuần trước đó. Dự báo trong tuần này, lượng nước ở các hồ chứa còn lại tiếp tục giảm thêm 3%. Năm nay, tình trạng thiếu nước tương đương với năm 2015.
Các địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn là Kon Tum có 106 ha, Gia Lai 648 ha, Đắk Lắk 2.056 ha, Đắk Nông 10.721 ha, Lâm Đồng 660 ha, Long An 4.642 ha, Bến Tre 50 ha và Sóc Trăng 1.531 ha.
Ngoài ĐBSCL và Tây nguyên, các tỉnh Đông Nam bộ như Bình Phước có đến hơn 10.000 ha và nam Trung bộ là Bình Thuận là 365 ha cây trồng có nguy cơ thiếu nước.
Trong khi Nam bộ chuẩn bị vào mùa mưa, nắng nóng giảm và xâm nhập mặn bớt gay gắt thì các khu vực còn lại nắng nóng và khô hạn vẫn còn kéo dài khoảng một tháng nữa.
Bình luận (0)