Nước sông Mekong về ít, ĐBSCL sắp đón thêm đợt xâm nhập mặn mới

Chí Nhân
Chí Nhân
17/03/2024 15:54 GMT+7

Đây là nhận định của Ủy ban sông Mekong Việt Nam (VNMC) về diễn biến tài nguyên nước ĐBSCL trong mùa khô năm 2024. Đợt xâm nhập mặn sâu tiếp theo sẽ xảy ra từ ngày 20 - 24.3.

Theo VNMC, các tỉnh ĐBSCL sắp đón thêm một đợt xâm nhập mặn sâu. Nguyên nhân do các hồ chứa trên sông Lan Thương (thượng nguồn sông Mekong đoạn chảy qua địa phận Trung Quốc - PV) đang ở mức khoảng 50% tổng dung tích hữu ích. Trong đó có hồ chứa lớn như hồ Nọa Trác Độ chứa khoảng 40% dung tích (4,4 tỉ m3) và các hồ chứa ở hạ lưu vực sông Mekong cũng đang chứa ở mức khoảng 55%.

Nước sông Mekong về ít, ĐBSCL sắp đón thêm đợt xâm nhập mặn mới- Ảnh 1.

ĐBSCL sắp đón đợt xâm nhập mặn mới trong vài ngày tới

Huỳnh Trung

Với các điều kiện như trên, cùng với xu thế dòng chảy giảm trên dòng chính sông Mekong. Dòng chảy qua trạm Kratie trong tháng 3 có xu thế giảm và lượng nước trữ ở Biển Hồ (Campuchia) cũng thấp, hiện tại chỉ 2,9 tỉ m3. Do đó khả năng đóng góp vào dòng chính sông Mekong rất hạn chế.

Lưu lượng trung bình ngày tới ĐBSCL qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 3 sẽ tiếp tục giảm từ 4.300 m3/s xuống khoảng 3.400 m3/s, ở mức tương đương trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Tổng lượng dòng chảy trong tháng 3 qua hai trạm này có thể sẽ thấp hơn cùng kỳ năm 2023 khoảng từ 25 - 35%.

Nước từ thượng nguồn về ít, mặn xâm nhập sâu vào các nhánh sông ở ĐBSCL trong tháng 3. Ranh mặn 1‰ vào sâu nhất trên ba nhánh sông lớn (sông Hậu, sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây) sâu hơn từ 8 - 12km so với trung bình nhiều năm và sâu hơn so với xâm nhập mặn cùng kỳ tháng 3.2023 từ 5 - 8km. Ranh mặn 4‰ sâu hơn so với trung bình nhiều năm từ 6 - 10km và sâu hơn cùng kỳ 2023 từ 4 - 7km.

Từ nay đến cuối tháng 3 vẫn còn một đợt xâm nhập mặn sâu từ ngày 20 - 25.3 (kỳ triều cường giữa tháng 2 âm lịch). Do đó các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng mặn cần theo sát các thông tin giám sát mặn và các bản tin dự báo xâm nhập mặn để vận hành công trình ngăn mặn phù hợp tranh thủ lấy nước trữ vào trong hệ thống kênh rạch. Do nguồn nước về sẽ ngày càng khan hiếm hơn trong mùa khô, các địa phương cần có kế hoạch lấy nước luân phiên trên các sông kênh, nhằm tránh hiện tượng cạn kiệt cục bộ, dẫn đến xâm nhập mặn có thể sâu hơn.

Xem nhanh 12h ngày 18.3: Nước sông Mekong về ít, ĐBSCL sắp đón thêm đợt xâm nhập mặn mới

Các con đập thủy điện khiến dòng chảy sông Mekong bất thường

Bản tin hàng tuần mới đây của MDM (Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện sông Mekong) cho biết chi tiết: Tình trạng hạn hán tại Trung Quốc và miền bắc của Lào trong mùa mưa năm 2023 tiếp tục khiến dòng chảy tự nhiên của sông Mekong thấp hơn mức bình thường trong mùa khô năm 2024. Tác động của đập đang khiến cho mực nước trên toàn sông Mekong dao động bất thường theo việc đóng và xả nước. Xu hướng phổ biến từ đầu mùa khô đến nay là lượng nước xả ra từ các con đập thủy điện thượng nguồn trên dòng chính sông Mekong rất hạn chế. Tuy nhiên, một vài thời điểm lượng nước xả ra cao hơn bình thường khiến nước sông ở một vài nơi dâng cao. Cụ thể như vào tháng 2 vừa qua, lượng nước tại Stung Treng (Campuchia) tăng lên gấp đôi so với bình thường các năm. 

Xu thế chung, mực nước sông trên toàn lưu vực sông Mekong phổ biến ở mức thấp hơn bình thường cùng thời kỳ. Còn tại Biển Hồ, mực nước thấp hơn bình thường khoảng 30cm so với cùng kỳ nhiều năm.

VNMC cảnh báo những nơi bị xâm nhập mặn gay gắt

Tỉnh Long An: Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc, Thạnh Hóa và TP. Tân An

Tỉnh Tiền Giang: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Thị xã Gò Công, Chợ Gạo, Tân Phú Đông

Tỉnh Bến Tre: Ba Tri, Bình Đại

Tỉnh Trà Vinh: Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành

Tỉnh Sóc Trăng: Mỹ Xuyên, Long Phú, Thạnh Trị, Ngã Năm

Tỉnh Bạc Liêu: Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long

Tỉnh Kiên Giang: Vĩnh Thuận, An Biên, Hòn Đất, Giang Thành

Tỉnh Hậu Giang: Long Mỹ, Vị Thủy, Ngã Bảy, Vị Thanh.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.