Tờ trình của Chính phủ về Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa lần này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình cao nhưng cách thức để thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa vẫn còn không ít băn khoăn.
|
Sáng 27.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe và thảo luận về dự thảo Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) sau năm 2015.
“Từ hơn 30.000 tỉ đồng xuống còn 800 tỉ đồng. Tôi sợ quá”
|
Trước đó, ngày 14.4 dự thảo Đề án đổi mới CT-SGK sau 2015 đã được trình tại phiên họp thứ 27 của UBTVQH. Khi được hỏi về kinh phí thực hiện, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển ước tính trên 30.000 tỉ đồng. UBTVQH đã yêu cầu phải xây dựng lại dự thảo và bổ sung thêm nội dung về dự kiến kinh phí và lộ trình thực hiện.
Tờ trình lần này đưa ra kinh phí dự kiến liên quan đến việc biên soạn và triển khai thực hiện CT-SGK gồm 2 hạng mục lớn, với tổng kinh phí 778,8 tỉ đồng.
Hạng mục thứ nhất 462 tỉ đồng để thực hiện các nhiệm vụ: tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn, thẩm định CT-SGK (bao gồm cả lực lượng biên soạn SGK của các tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn); xây dựng, thẩm định chương trình; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới; thẩm định SGK...
Hạng mục thứ hai là triển khai thực hiện CT-SGK mới với kinh phí 316,8 tỉ đồng, bao gồm: biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; cung cấp tài liệu tập huấn cho giáo viên; ghi hình bài tập huấn và bài giảng theo chương trình mới; tổ chức, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc tập huấn giáo viên.
Ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng cho biết trong tổng số kinh phí trên, dự kiến ngân sách trung ương là 504,4 tỉ đồng, còn lại là nguồn ngân sách địa phương. Dự toán chưa bao gồm kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên...
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết quan điểm của Chính phủ là phải xác định rạch ròi từng nội dung: Việc kiên cố hóa trường lớp và đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên sư phạm thì dù không đổi mới CT-SGK thì chúng ta vẫn phải làm nên không đưa vào đề án này.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề có nên đưa vào nghị quyết gần 800 tỉ đồng không, hay chỉ phân ra từng hạng mục để Chính phủ duyệt. “Ta chốt 800 tỉ đồng sau này thành vài ngàn tỉ đồng thì tính sao? Từ hơn 30.000 tỉ đồng xuống còn 800 tỉ đồng. Tôi sợ quá. Vì thế, có cần chốt con số không hay đưa ra hạng mục và hằng năm Chính phủ duyệt để làm”, Chủ tịch QH đề xuất.
Chỉ trình một phương án biên soạn SGK
|
Về biên soạn SGK, tờ trình của Chính phủ nêu rõ: sẽ thực hiện chủ trương một CT nhiều SGK; trong đó chỉ có CT là mang tính pháp lý, SGK là một tài liệu quan trọng nhưng không có tính pháp lý. “Đây là một thay đổi so với quan niệm hiện nay, coi cả CT và SGK đều là pháp lệnh”, ông Luận lý giải.
Theo tờ trình, chủ trương này sẽ được thực hiện theo phương án: Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK; đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các SGK khác. Ưu điểm của phương án này là Bộ GD-ĐT chủ động về thời gian và công việc trong quá trình triển khai đổi mới CT một cách đồng bộ, kịp thời mà vẫn phát huy được lợi ích của chủ trương nhiều SGK. Tuy nhiên, việc Bộ tổ chức biên soạn một bộ SGK có thể sẽ xuất hiện tâm lý e ngại của các tổ chức, cá nhân muốn biên soạn SGK khác; tất cả các bộ sách đều được hội đồng quốc gia thẩm định độc lập.
Tờ trình cũng nêu rõ nhà trường quyết định lựa chọn bộ SGK chính thức của mỗi môn học dựa trên đề nghị của giáo viên tổ, nhóm chuyên môn, tham khảo thêm ý kiến của đại diện phụ huynh và học sinh.
Xung quanh vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giải thích thêm: “Chính phủ mong muốn lúc đầu là trình ra 2 phương án: Bộ cùng với các tổ chức, cá nhân đều biên soạn SGK; Bộ chỉ soạn CT, không soạn SGK. Sau khi thảo luận, tập hợp các ý kiến, Chính phủ còn có thêm một phương án thứ 3 là cứ để mở cho các tổ chức, cá nhân biên soạn nhưng sẽ chỉ chọn một bộ SGK chuẩn thôi”. Tuy nhiên, ông Đam cho biết sau khi thảo luận với cơ quan thẩm tra đề án của QH thì Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng đề nghị là Bộ vẫn nên chủ động biên soạn một bộ SGK, nếu không sẽ bị động bởi khi ấn định một thời hạn đổi mới SGK mà các tổ chức, cá nhân khác không làm kịp thì sẽ không đảm bảo tiến độ. “Ủy ban thẩm tra cũng đề nghị không nên trình 2 phương án vì nếu như vậy QH sẽ phải bỏ phiếu để chọn một phương án và chúng tôi tiếp thu theo hướng đó”, ông Đam cho hay.
Tổng kết ý kiến thảo luận, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho rằng tờ trình lần này Chính phủ đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến của UBTVQH tại kỳ họp lần trước. Vì vậy, UBTVQH tán thành cần đưa ra QH để ban hành nghị quyết, thống nhất về mục tiêu đổi mới CT-SGK.
Tuệ Nguyễn
>> Xin lùi thời hạn trình Quốc hội Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa
>> Gần 800 tỉ đồng đổi mới sách giáo khoa
>> Khó bình đẳng nếu Bộ vẫn biên soạn sách giáo khoa
>> Đổi mới chương trình, sách giáo khoa từ năm 2017
>> Bộ GD-ĐT vẫn muốn biên soạn sách giáo khoa
Bình luận (0)