Để bệnh không ghé thăm

22/11/2015 06:05 GMT+7

Các bệnh nhiễm trùng vào mùa lạnh thường khởi đầu bởi tình trạng nhiễm siêu vi đường hô hấp trên, do đó việc phòng nhiễm siêu vi đường hô hấp trên là biện pháp quan trọng nhất.

Các bệnh nhiễm trùng vào mùa lạnh thường khởi đầu bởi tình trạng nhiễm siêu vi đường hô hấp trên, do đó việc phòng nhiễm siêu vi đường hô hấp trên là biện pháp quan trọng nhất.

Ảnh: ShutterstockẢnh: Shutterstock
Mối liên hệ mật thiết tai - mũi - họng
Trong cơ thể, vùng tai - mũi - họng (TMH) và thanh quản liên quan mật thiết với nhau về mặt cấu trúc giải phẫu. Các vùng TMH được gọi chung là đường hô hấp trên thông nối tự do và có quan hệ mật thiết với nhau: Họng là ngã tư của đường ăn và đường thở, mũi thông với họng qua vòm họng, tai thông với mũi qua lỗ vòi nhĩ ở thành bên của họng mũi, vì vậy khi có một quá trình bệnh lý xảy ra ở một vùng có thể gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các cơ quan lân cận.
Theo GS-TS-BS Phạm Kiên Hữu - Trưởng khoa TMH Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Phó chủ nhiệm bộ môn TMH Đại học Y Dược TP.HCM, về mặt vi thể: cấu tạo của lớp niêm mạc phủ bên trong vùng TMH có cấu tạo giống nhau, lớp niêm mạc này cùng chịu tác động bởi các điều kiện lý - hóa và cùng có các phản ứng tương tự với các kích thích từ bên ngoài như vi khuẩn, siêu vi, chất có hại...
Quá trình bệnh lý của một vùng có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động sinh lý tạo điều kiện cho quá trình bệnh lý xảy ra ở vùng khác (ví dụ: khi có tình trạng viêm mạn tính, quá phát VA ở mũi có thể gây tắc nghẽn hiện tượng dẫn lưu và thông khí các xoang tạo điều kiện cho bệnh viêm xoang phát sinh và phát triển hoặc có thể làm tắc nghẽn vòi nhĩ gây nên bệnh viêm tai thanh dịch ở trẻ). Nhiều nghiên cứu vi sinh học cũng cho thấy các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi, nấm mốc gây bệnh cho các vùng TMH thường tương tự nhau.
Sự liên đới đáng sợ
Để tránh các bệnh về đường hô hấp “ghé thăm” khi trời lạnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo nên giữ cho mũi họng sạch, bằng cách đeo khẩu trang, giữ ấm vùng cổ khi ra ngoài nhằm hạn chế hơi lạnh xâm nhập vào. Đặc biệt khi ngủ dậy, nằm trên giường mở mắt, lấy hai tay massage mặt, mũi từ 5 - 6 phút nhằm giúp hai bộ phận này ấm lên, để không gây ra phản ứng mạnh khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
Các bệnh TMH, thanh quản, xoang không chỉ liên quan mật thiết với nhau mà chúng còn liên quan chặt chẽ với nhiều bệnh lý khác, bởi cơ thể con người là một thể thống nhất, một bộ máy phức tạp được tạo bởi các cơ quan. Mỗi cơ quan đóng một vai trò nhất định trong hoạt động sinh lý của toàn bộ cơ thể. Hoạt động của từng cơ quan tuy độc lập tương đối nhưng lại có liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi có một bệnh lý ở một cơ quan này sẽ có một số biểu hiện bệnh (triệu chứng) có thể gây nên các rối loạn hoạt động của các cơ quan khác. Chẳng hạn như: viêm mũi họng xuất tiết nhầy mủ, bệnh nhân thường xuyên nuốt dịch tiết nhiễm trùng xuống bao tử gây chứng rối loạn tiêu hóa; hội chứng trào ngược thực quản - dạ dày có thể cũng gây ra bệnh viêm họng, viêm mũi do trào ngược; các biến chứng nhiễm trùng nặng ở vùng tai, mũi có thể gây viêm màng não, áp xe não, nhiễm trùng huyết; bệnh viêm mũi xoang mạn tính, nhất là viêm mũi dị ứng có thể làm nặng thêm bệnh suyễn và ngược lại; hay bệnh viêm mũi dị ứng cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân viêm da dị ứng, viêm kết mạc dị ứng; bệnh viêm amidan mạn do vi khuẩn Streptococcus có thể gây biến chứng viêm cầu thận cấp, viêm nội tâm mạc, thấp khớp cấp; bệnh Wegener: ngoài biểu hiện viêm hoại tử vùng giữa mặt còn có các biểu hiện tổn thương ở phổi, thận; vùng xoang hàm có liên quan chặt với các chân răng hàm trên số 4, 5, 6. Các ổ mủ nhiễm trùng từ vùng chân răng có thể gây tình trạng viêm xoang hàm..., GS-TS-BS Phạm Kiên Hữu giải thích. 
Phòng chống bệnh hô hấp mùa lạnh
Theo bác sĩ Phạm Kiên Hữu, có 3 phương cách hiệu quả nhất để phòng nhiễm siêu vi hô hấp trên gồm:
Hạn chế tiếp xúc với không khí lạnh và siêu vi gây bệnh bằng cách rửa tay với xà bông hoặc dung dịch cồn trên 60 độ sau khi ho, hắt hơi, hoặc trước ăn; tránh nơi đông người, người đang mắc bệnh; thường xuyên lau rửa dụng cụ bàn ghế với dung dịch sát khuẩn; giữ phòng ấm và khô (hạn chế ho, hắt hơi làm siêu vi phát tán ra ngoài).
Tuân thủ các thói quen tốt, như: ăn đủ chất, nhiều sinh tố, rau củ, hạn chế uống rượu, ăn thức ăn ngọt quá, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc (7 - 8 giờ/ngày), ngưng hút thuốc, giảm căng thẳng, tập thể dục đều đặn.
Chủng ngừa siêu vi. Trong các biện pháp phòng ngừa kể trên, các nghiên cứu đã cho thấy chủng ngừa siêu vi là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất (70 - 90%).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.