Những chuyến xe khách, xe cá nhân từ các tỉnh miền Tây, miền Đông, miền Trung ngày đêm đổ về TP.HCM để đưa bệnh nhân đến các bệnh viện khám, chữa bệnh. Điều này đã gây nguy cơ mất an toàn giao thông cũng như gây quá tải cho các bệnh viện tại TP.HCM nhiều năm qua.
Trả lời phỏng vấn PV Thanh Niên, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định, sự phát triển của các bệnh viện ở TP.HCM đã góp phần thu hút bệnh nhân từ các tỉnh đến khám, chữa bệnh.
Nhưng ông cũng cho rằng, các bệnh viện tỉnh làm được rất nhiều nhưng khâu truyền thông chưa được chú trọng nên người dân chưa biết đến nhiều.
Song song đó, bệnh viện tuyến tỉnh cần đầu tư và cần nhiều chính sách giữ chân nhân lực hơn nữa để bệnh nhân không 'bỏ' bệnh viện địa phương.
TP.HCM đã đầu tư cho y tế rất nhiều nên bệnh nhân đổ về
Thời gian qua, TP.HCM đã tăng cường hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có lĩnh vực y tế. Riêng hệ thống y tế tại TP.HCM tập trung nhiều bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối, được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối cho khu vực các tỉnh, thành phía nam.
Không những vậy, các bệnh viện đã được lãnh đạo TP.HCM quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn cao...
Đây là những yếu tố góp phần thu hút bệnh nhân từ các tỉnh, thành lân cận đến khám, chữa bệnh.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, chính sách khám, chữa bệnh thông tuyến tỉnh cho tất cả bệnh nhân khám ngoại trú có chỉ định điều trị nội trú bắt đầu áp dụng kể từ năm 2021 (khám ngoại trú có chỉ định nội trú thì được hưởng bảo hiểm tối đa) tạo điều kiện cho bệnh nhân đến TP.HCM khám, chữa bệnh.
Bên cạnh việc chú trọng vào chất lượng kỹ thuật, để đáp ứng số lượng bệnh nhân tới khám và điều trị, ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng phục vụ, giúp bệnh nhân tiết kiệm được tối đa thời gian.
Giải pháp này bước đầu cho thấy không chỉ đem lại lợi ích cho cả bệnh nhân và bác sĩ, mà còn là giải pháp quan trọng để giảm quá tải bệnh viện và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
"Vì vậy, bệnh nhân ngày càng tin tưởng và tiếp tục lựa chọn TP.HCM là nơi điều trị và khám, chữa bệnh. Nhưng điều này cũng dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ tại một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối. Cơ sở hạ tầng của một số bệnh viện bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp", người đứng đầu ngành y tế TP.HCM nói.
Theo số liệu thống kê năm 2022, tổng số lượt khám, chữa bệnh ngoại trú toàn TP.HCM khoảng 34,5 triệu lượt, trong đó bệnh nhân ngoại tỉnh chiếm 8,3%.
Tổng số lượt bệnh nhân điều trị nội trú khoảng 2,2 triệu lượt, trong đó bệnh nhân tỉnh chiếm 34,1%. Bệnh nhân đến khám tại TP.HCM với đa dạng các mặt bệnh, trong đó chủ yếu là các bệnh lý cần điều trị chuyên sâu như ung thư, phẫu thuật, sản khoa...
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nêu 3 giải pháp chính
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng nhìn nhận, qua đánh giá kết quả thực hiện hằng năm về Đề án 1816 hỗ trợ tuyến dưới, chuyển giao kỹ thuật, các bệnh viện tuyến trên đã chuyển giao nhiều kỹ thuật trong công tác khám, chữa bệnh nhiều bệnh lý phức tạp.
Điều này giúp các đội ngũ nhân viên y tế tuyến dưới tự tin hơn về điều trị các trường hợp nặng.
Nhưng trên thực tế, bệnh nhân tại các địa phương vẫn chưa thực sự biết các cơ sở y tế tại địa phương đã được chuyển giao các kỹ thuật chuyên môn cao, đồng thời vẫn còn chút tâm lý e ngại khi điều trị tại cơ sở y tế gần nhà.
Đây là bài toán đòi hỏi ngành y tế tại các tỉnh bạn cần xây dựng chiến lược truyền thông phù hợp, tạo dựng niềm tin và tạo thế chủ động ngay trên sân nhà.
PGS-TS Tăng Chí Thượng cho rằng để bệnh nhân chịu khám, chữa bệnh ở bệnh viện địa phương, các tỉnh cần có 3 giải pháp chính.
Thứ nhất, ưu tiên nguồn lực cho việc đầu tư trang thiết bị, xây dựng mới hoặc cải tạo cơ sở hạ tầng, và nhất là có cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế (bác sĩ, điều dưỡng) tại các bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh.
Thứ hai, nâng cao năng lực chuyên môn cho bệnh viện tuyến tỉnh gắn liền với "thương hiệu" của các bệnh viện tuyến cuối (của các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế hoặc các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa TP.HCM) thông qua các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, tư vấn, hội chẩn từ xa. Song song đó kèm theo giải pháp tăng cường truyền thông đến tận người dân, bệnh nhân sẽ mang tính quyết định.
Thứ ba, củng cố hệ thống chuyển tuyến, giá khám, chữa bệnh gắn liền với trách nhiệm của cơ sở y tế và quyền lợi của bệnh nhân.
Bình luận (0)