Để cân bằng lợi thế

21/01/2015 04:59 GMT+7

Để vừa có thể tận dụng được lợi thế của hiệp định thương mại tự do, vừa có thể bảo vệ được thị trường trong nước, giải pháp mà hầu hết các nước thực hiện là dựng hàng rào phi thuế quan với hàng nhập khẩu vào nội địa. Nhưng do chưa chú trọng đúng mức vấn đề này, các doanh nghiệp (DN) và cả nền sản xuất trong nước đang đứng trước nhiều rủi ro và thua thiệt trong cạnh tranh khi hội nhập sâu.

Để vừa có thể tận dụng được lợi thế của hiệp định thương mại tự do, vừa có thể bảo vệ được thị trường trong nước, giải pháp mà hầu hết các nước thực hiện là dựng hàng rào phi thuế quan với hàng nhập khẩu vào nội địa. Nhưng do chưa chú trọng đúng mức vấn đề này, các doanh nghiệp (DN) và cả nền sản xuất trong nước đang đứng trước nhiều rủi ro và thua thiệt trong cạnh tranh khi hội nhập sâu.
Thực tế đã chứng minh, bảo hộ bằng rào cản kỹ thuật là hiệu quả nhất nên ngày càng có nhiều nước trên thế giới áp dụng. Chúng ta thường nghĩ, các nền kinh tế yếu kém mới cần bảo hộ nhưng trên thực tế, các nền kinh tế lớn mạnh, hô hào nhiều nhất về thương mại tự do chính là những nơi thực hiện nhiều nhất và thành công nhất rào cản này.
Điển hình như Mỹ, EU, Nhật... hàng hóa nhập khẩu vào các nước này phải vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, vệ sinh thực phẩm, an toàn cho người sử dụng, bảo vệ môi trường, lao động. Chẳng thế mà hàng Việt xuất qua các quốc gia này nhiều phen “trầy vi tróc vảy” vì các vụ kiện bán phá giá, bị áp thuế cao, bị áp dụng hạn ngạch về định lượng, bị trả về vì không vượt qua được các ngưỡng vệ sinh an toàn thực phẩm hay không đáp ứng được tiêu chuẩn về lao động, môi trường... Thế nhưng ngược lại, chiều của hàng ngoại nhập vào VN lại khá thông thoáng và thoải mái. Từ hàng công nghiệp, điện tử cho tới hàng tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm... bằng nhiều con đường tràn ngập thị trường nội địa.
Thép Việt ra ngoài bị kiện khắp nơi nhưng thép ngoại chất lượng kém, gian lận, giá rẻ đang ép nhiều DN thép nội sống dở, chết dở; trái cây, rau củ Việt phải gian nan lắm mới tìm được vài mối ra nước ngoài nhưng trái cây ngoại từ bao năm nay trở thành quen thuộc với người tiêu dùng trong nước... Trong bối cảnh này, việc thuế nhập khẩu trong khu vực ASEAN tiếp tục được hạ xuống bằng 0% từ đầu năm nay càng khiến các DN nội địa và nền sản xuất trong nước trở nên thua thiệt trong cạnh tranh ở cả thị trường xuất khẩu cũng như giữ thị phần tại sân nhà. Để "cân bằng" lợi thế, không có cách nào khác, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách phải nhanh chóng xây dựng hàng rào phi thuế quan để bảo vệ DN, người tiêu dùng và nền sản xuất trong nước. Đó là hàng rào kỹ thuật như Mỹ, EU đã và đang áp dụng linh hoạt để bảo vệ người tiêu dùng nội địa trước hàng giả, nhái, hàng kém chất lượng, hàng độc hại tràn lan hiện nay. Bên cạnh đó, cần có những ưu đãi về lãi suất, về thuế, về giá thuê đất... cho các DN nội địa, "bồi bổ" sức khỏe họ, giúp họ có "thể lực" cường tráng để cạnh tranh với các "đại gia" láng giềng đang chuẩn bị đổ vào thị trường nội địa khi hàng rào thuế quan không còn nữa.
Sau ASEAN sẽ là TPP (Hiệp định đối tác thương mại kinh tế xuyên Thái Bình Dương) với thị trường lớn hơn, các đối thủ mạnh hơn. Nếu chúng ta không tìm cách tự bảo vệ mình, không những không tận dụng được lợi thế của việc hội nhập mà nguy cơ mất sân nhà là rất lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.