Để có mô hình bóng đá chuyên nghiệp bền vững

Quốc Việt
Quốc Việt
12/05/2020 09:27 GMT+7

Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng đã đến lúc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đánh giá, tổng kết lại chặng đường 20 năm lên chuyên nghiệp để định ra mô hình chuẩn cho bóng đá Việt Nam

Chỉ 1/5 CLB may ra lên bóng đá chuyên nghiệp

Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh cho rằng sau 20 năm tiến lên chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam vẫn chưa đi đủ xa, đạt hiệu quả như mong muốn. Căn cơ cho nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn mỏng, chưa đủ bền vững khi quá ít những câu chuyện nhà nước - doanh nghiệp (DN) gắn bó chặt chẽ, hiệu quả và lâu dài.
Ông Thanh bày tỏ: “Tham khảo mô hình các CLB, may ra 1/5 lên bóng đá chuyên nghiệp. Cơ bản tất cả các đội bóng hạng nhất đều khó khăn, không có gì bền vững cả. Mô hình bền vững phụ thuộc nhiều yếu tố: nhà tài trợ mê bóng đá, có tài chính bền vững, gắn chặt với địa phương trong các mối quan hệ lợi ích chính đáng khác. DN bao giờ cũng phải cân nhắc lợi nhuận. Nguyên tắc hợp tác bền vững là địa phương và DN phải kết hợp lợi ích gắn bó với nhau. Quan trọng nhất, DN phải yêu thích bóng đá. Thứ hai là có tình cảm gắn bó với nhân dân địa phương.

Ông Nguyễn Hồng Thanh

Vy Khánh

Thứ ba là tính đường dài thế nào. HAGL từng đạt mô hình chuẩn cho bóng đá chuyên nghiệp khi có bầu Đức gắn bó lâu dài với địa phương, có sân vận động và trung tâm huấn luyện riêng, sở hữu hệ thống đào tạo trẻ chất lượng, thu hút DN tài trợ nhờ làm hình ảnh tốt. Nhưng họ đang gặp khó khăn khi tập đoàn khó khăn. Những CLB khác ít nhiều vẫn chưa hoàn thiện. Mạnh như Hà Nội chưa có đại bản doanh riêng, phải đi thuê. Bóng đá Việt Nam chỉ mới manh nha chuyên nghiệp, vẫn còn khoảng cách rất xa với mô hình nền công nghiệp bóng đá hoàn chỉnh. Muốn cải thiện, các CLB phải có thương hiệu được định dạng rõ nét, có thế mới thu hút những DN lớn tạo nguồn thu bền vững”.
Chủ tịch CLB SLNA nói tiếp: “Việt Nam có nhiều người đóng góp lớn cho bóng đá bền bỉ như bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hiển hay Tập đoàn Becamex IDC ở Bình Dương. Nhưng nhiều địa phương sau lưng không có DN lớn rất khó khăn. Muốn phát triển bền vững, phải đa dạng nhà tài trợ. Muốn thế, Chính phủ phải có cơ chế ưu đãi thu hút và tạo điều kiện cho DN làm bóng đá. Đầu tiên là mở cơ chế xây dựng cơ sở vật chất vì tất cả các sân bóng hiện nay là của nhà nước. Chính phủ nên có cơ chế cho phép địa phương có đội đá giải chuyên nghiệp được xây, sửa sân bóng theo tiêu chuẩn AFC. Cho phép địa phương cùng các ngành chức năng xây sân bằng nguồn ngân sách địa phương và trung ương.

V-League sẽ có cú hích nếu các CLB mạnh dạn thay đổi mô hình chuyên nghiệp

VPF

Sân bãi là của nhà nước, DN nuôi được đội bóng là may rồi, có thể sửa chữa nhỏ thôi chứ bắt xây sân bóng mới rất khó. Ở các nước tôi đã tham quan học hỏi cũng thế thôi. Toàn bộ sân bóng và đất cho bóng đá là của nhà nước. Ở Việt Nam bây giờ đại đa số sân bãi đều cũ, chắp vá. Chính phủ cũng cần ưu tiên giao hoặc cho thuê giá ưu đãi các khoảng đất để làm trung tâm đào tạo trẻ. Hiện nay, phần lớn trách nhiệm này là của nhà nước vì DN nuôi được đội 1 đã là ghê lắm rồi. 63 tỉnh thành kiếm DN nhận nuôi cả bóng đá trẻ đếm trên đầu ngón tay.
Một khâu cuối là tùy theo địa phương mà nâng chế độ tiền ăn cho cầu thủ trẻ. Nhà nước và DN có thể cùng làm. Trước đây cố định tiền ăn là 90.000 đồng/người/ngày. Giờ những nơi có nhiều hơn có thể nâng lên 120.000 đồng/người/ngày. Việc này phải nhà nước cho phép mới thanh toán được. Nếu chế độ thấp, chúng ta có thể kêu gọi thêm một số nhà tài trợ hỗ trợ đào tạo trẻ, nâng mức ăn lên”.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương

Khả Hòa

Giảm số đội V-League để có mô hình chuẩn chuyên nghiệp Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương là người ủng hộ siết chặt nghiêm túc các tiêu chí chuyên nghiệp, chấp nhận giảm số đội V-League để nâng cao chất lượng, từ đó có được mô hình CLB thực sự chuyên nghiệp. Ông đánh giá đây là điều cần thiết vì thực tế rất nhiều CLB chỉ đang ăn đong từng bữa, mịt mờ với tương lai bất định.
“Rõ ràng sau 20 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, VFF cần tổng kết chúng ta đã làm được gì và chưa làm gì. Đặc biệt các CLB mặc dù được gắn mác chuyên nghiệp, nhưng chất lượng nhân lực, mô hình hoạt động, đào tạo trẻ, tài chính, thương mại, hình ảnh… chưa chuyên nghiệp. Hàn Quốc thu nhập bình quân đầu người hơn 33.000 USD mỗi năm mà K-League 1 chỉ có 12 CLB.
Việt Nam thu nhập kém 10 lần (khoảng 3.000 USD) có đến 14 là vô lý. Thai League từng phải giảm số đội mới nâng chất lượng và sức hút lên. Chúng ta cần rút gọn số đội xuống còn 8 - 10 CLB nhưng phải thực sự chuyên nghiệp, khỏe mạnh. Điều này có thể làm theo lộ trình 3 - 5 năm. Lyon là một CLB trung bình ở châu Âu nhưng tự đứng trên đôi chân của mình nhờ bóng đá. Họ mỗi năm kiếm 100 triệu euro thì có đến 60 triệu euro đến từ đào tạo các tài năng trẻ và bán đi.

Cầu thủ sẽ thay đổi tư duy nếu đội bóng mình thục sự chuyên nghiệp

Đông Nghi

Đào tạo trẻ không phải là gánh nặng như Việt Nam mà là cần câu cơm cực kỳ hữu hiệu, giúp CLB tự bỏ tiền ra xây chứ không phải đi thuê. Việt Nam phải làm sao mỗi CLB ngoài bộ phận chuyên môn phải có những ê kíp làm ra tiền, xây dựng hình ảnh, kêu gọi tài trợ, nâng chất CLB… mới kiếm được tiền”, ông Đoàn Minh Xương phân tích.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương đặt vấn đề: “Bóng đá chuyên nghiệp phải có thực thu từ bóng đá, nhưng ở Việt Nam bây giờ có bao nhiêu vụ chuyển nhượng mỗi mùa? Các CLB Việt Nam cần phải sớm hoàn thiện đầy đủ các tiêu chí chuyên nghiệp như cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đào tạo trẻ, khả năng tài chính. Chính phủ có thể hỗ trợ thuế thu nhập, giảm giá cho thuê đất. Chính phủ phải có chính sách làm “bà đỡ” để bóng đá chuyên nghiệp phát triển.
Nếu không, tiền đâu DN mua đất, xây sân vận động, đào tạo trẻ, phát triển bóng đá cộng đồng, học đường… Người ta thống kê 79% người Việt Nam hâm mộ bóng đá. Bản quyền truyền hình AFF Cup đắt cả triệu USD mà vẫn được mua vì giải chất lượng, bán ra vẫn có lời do đông đảo người hâm mộ sẵn sàng mở ti vi để coi”.
Ban cấp phép liệu có quyết tâm ?
Mới đây, VFF đã thành lập ban cấp phép. Chuyên gia Đoàn Minh Xương trăn trở: “Ban cấp phép thành lập là đúng theo quy định. Còn hiệu quả như thế nào và quyết tâm làm tới nơi tới chốn hay không sẽ phải chờ xem. Hay kỳ họp cuối năm lại “không đảm bảo tiêu chí mô hình chuyên nghiệp nhưng vẫn đặc cách cho CLB dự giải chuyên nghiệp” thì cũng vậy. VFF cần phải cử người làm việc chặt với các CLB, hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển chuyên nghiệp cho từng đội. Nếu đôi bên đã nỗ lực rồi mà đội nào không đạt, dứt khoát không cấp phép hoạt động. Điều đó cũng đồng nghĩa không thể chơi ở V-League. Phải mạnh tay và quyết liệt thì con đường lên chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam mới sáng được”.
Đừng xem bóng đá như các môn khác
Để bóng đá Việt Nam thực sự đi lên chuyên nghiệp, vai trò Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT và VFF cực kỳ quan trọng. Họ phải tham mưu và kiến nghị nhà nước, Chính phủ có chiến lược phát triển riêng cho bóng đá. Nếu xem bóng đá giống các môn thể thao khác thì không được. Bóng đá Việt Nam rất khác, có tác động xã hội rất lớn nên phải có chiến lược đặc biệt. Trong điều kiện kinh tế Việt Nam, chỉ dựa vào nguồn lực xã hội hay nhà nước là không đủ để có mô hình CLB chuyên nghiệp.
Phải kết hợp nhà nước và xã hội phân chia hỗ trợ nhau mỗi người một mảng, cùng nhau làm dài hạn với lợi ích gắn chặt nhau. VFF phải cùng Bộ VH-TT-DL và nhà nước định ra chiến lược dài hạn nâng tầm bóng đá Việt Nam. Chúng ta thực tế chỉ may mắn có thế hệ cầu thủ tài năng, kết hợp HLV Park Hang-seo quá giỏi và kinh nghiệm. Vài năm nữa thế hệ này đi xuống, tất cả sẽ trả về “con số không”. Nếu chỉ mải luẩn quẩn e ngại, không đánh giá đúng thực trạng của bóng đá Việt Nam và cải tổ mạnh mẽ với chiến lược dài hạn thì chúng ta sẽ tiếp tục ăn đong may rủi theo từng thế hệ cầu thủ”, chuyên gia Đoàn Minh Xương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.