Mô hình các CLB miền Trung: Loay hoay bức tranh đa màu sắc

11/05/2020 08:50 GMT+7

Diện mạo của các CLB tại miền Trung không giống nhau, nơi dù có tiềm năng rất lớn nhưng lại thiếu hụt kinh phí, nơi không thiếu tiền nhưng lại chưa được tạo cơ chế hoạt động rõ ràng, vì thế bức tranh bóng đá chuyên nghiệp ở đây mang nhiều màu sắc khác nhau.

“Con nhà nghèo vượt khó”

SLNA có thể xem như tấm gương điển hình về sự vượt khó bởi đây là một trong những CLB nghèo về tiền của nhưng vẫn nỗ lực duy trì mô hình đào tạo bóng đá chuyên nghiệp theo phong cách rất Nghệ An. Chưa mang tầm học viện nhưng lò SLNA đã trở thành thương hiệu riêng và cống hiến cho bóng đá VN rất nhiều lứa cầu thủ giỏi với lối chơi mang đậm bản sắc - khéo léo, mạnh mẽ. Mô hình phát triển của SLNA vừa có thuận lợi nhưng cũng luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, đặc biệt là tài chính và luôn phải “liệu cơm gắp mắm”.
Quán xuyến toàn bộ kinh phí đào tạo trẻ nhưng tỉnh Nghệ An không phải địa phương quá dồi dào về năng lực tài chính nên công tác huấn luyện các lứa cầu thủ trẻ tài năng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Cơ sở vật chất thiếu thốn, sân bãi xuống cấp suốt thời gian dài mà không có tiền để sửa chữa. SLNA duy trì khoảng 230 cầu thủ của các tuyến, phân thành 9 đội từ U.10 - U.21. Việc tập luyện của các cầu thủ trẻ cực kỳ vất vả, thậm chí phải chia ca để tập vì không đủ sân.

"Gà son" của HLV Park bất ngờ chấn thương ngay khi SLNA chuẩn bị trở lại V-League

Ông Hồ Văn Chiêm, Giám đốc điều hành CLB SLNA, nói: “Trong cái khó, chúng tôi cũng ló cái khôn. Vẫn biết nếu có nhiều tiền thì làm gì cũng dễ hơn nhưng nếu vì thiếu tiền mà SLNA đánh mất thương hiệu thì phụ lòng khán giả lắm. Chúng tôi vẫn duy trì công tác tuyển chọn thông qua các vệ tinh trong tỉnh. Các lớp bóng đá cộng đồng vẫn thu hút được số lượng trẻ em tham gia rất đông và đó là cơ sở để lọc ra những cầu thủ có thể hình, tố chất và đưa vào các đội trẻ.

SLNA vượt khó bằng ý chí mạnh mẽ

VPF

Mỗi năm giải bóng đá thiếu niên nhi đồng Báo Nghệ An vẫn chọn ra được những nhân tố mới nổi bật. Mặc dù không nhiều tiền nhưng SLNA vẫn có đủ các ban bệ để sàng lọc, đào tạo cầu thủ theo một quy trình khá nghiêm ngặt. Chúng tôi vẫn có những đề án phát triển bóng đá lâu dài để tránh rơi vào tình cảnh “đi trước về sau” so với các lò đào tạo khác trên cả nước”.
Thế nhưng SLNA đang phải đối mặt với tình trạng “chảy máu chất xám”. Hiện mỗi năm CLB SLNA được cấp khoảng 50 tỉ đồng từ 2 nhà tài trợ - số tiền không thấm tháp vào đâu so với nhu cầu thực tế. Những ngôi sao sáng nhất đã rời đội như Quế Ngọc Hải, Hồ Khắc Ngọc, Trần Nguyên Mạnh, Nguyễn Trọng Hoàng... Bởi thế bài toán đặt ra cho những nhà quản lý bóng đá xứ Nghệ là làm sao có được nguồn tài chính “mạnh khỏe” để không chỉ giữ gìn được thương hiệu đào tạo trẻ mà còn giúp đội 1 không còn rơi vào cảnh chia ly.
Tân binh Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (HLHT) lại gặp khó ở vấn đề khác, hoàn toàn không nằm ở tiền bạc. Công ty cổ phần bóng đá Hà Tĩnh đủ tiềm lực để nuôi cả đội 1 dự V-League lẫn các tuyến trẻ. Nhưng kẹt ở chỗ Sở VH-TT Hà Tĩnh lại chưa cho phép công ty “bao sân” cả hai khâu quan trọng nói trên. Trong đề án phát triển bóng đá của tỉnh có hai lứa U.13 và U.15 mà công ty muốn hỗ trợ một cách trực tiếp. Tuy nhiên, tỉnh và công ty lại chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề này. Nếu như ở SLNA, tỉnh rót kinh phí cho đào tạo trẻ nhưng đào tạo như thế nào, thầy thợ ra sao, phương thức huấn luyện theo phong cách nào, lại do Công ty cổ phần bóng đá SLNA và CLB SLNA đảm trách. Còn ở Hà Tĩnh, trước mắt tỉnh lo cả tiền lẫn khâu đào tạo và vô hình trung khiến CLB HLHT rơi vào thế bị động. Nhưng cũng có thể vừa chân ướt chân ráo sang làm bóng đá, công ty cần thêm thời gian để chứng minh năng lực quản lý của mình để tạo được niềm tin từ lãnh đạo tỉnh. Cũng vì lý do này mà HLHT chưa có được mô hình hoạt động một cách thực sự rõ ràng.
Mô hình các CLB miền Trung: Loay hoay bức tranh đa màu sắc

Đặng Anh Tuấn (giữa), Hoàng Minh Tâm (phải) - những sản phẩm hiếm hoi của "lò" SHB Đà Nẵng đang thi đấu cho đội 1

Ảnh: Đông Nghi

Có xã hội hóa nhưng chưa thể sống nhờ bóng đá

Cách đây ít tháng, UBND tỉnh Quảng Nam dự kiến đầu tư khoảng 34 tỉ đồng xây sân Quảng Nam (QN) - một bước có thể xem là đột phá giúp bóng đá QN dần cất cánh. Hiện bóng đá QN có 4 tuyến trẻ U.11, U.13, U.15 và U.17 với tổng cộng 130 cầu thủ. QN thành lập Hội đồng tuyển chọn để hằng năm thực hiện việc “săn” cầu thủ ở QN, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị. Nguồn kinh phí cho bóng đá QN hoạt động (bao gồm toàn bộ tuyến trẻ và đội QN đang thi đấu tại
V-League) vào khoảng 75 - 80 tỉ đồng/năm. Trong đó, UBND tỉnh cấp 16 tỉ đồng, các nhà tài trợ khoảng 15 tỉ, số còn lại do Công ty cổ phần bóng đá QNK lo liệu.
Ông Nguyễn Húp, Chủ tịch CLB QN, cho biết: “Ưu điểm lớn nhất của bóng đá QN là thu hút được xã hội hóa. Chúng tôi không bị hụt hẫng về tài chính do dựa vào thế kiềng 3 chân... Tuy nhiên, chưa thể nói bóng đá QN đã trở thành chuyên nghiệp vì đã gọi là chuyên nghiệp thì bóng đá phải nuôi được bóng đá, có được nguồn thu lớn từ bản quyền truyền hình, bán vé… Nhưng giờ QN chưa làm được điều này”.

Quảng Nam vẫn đang loay hoay với bóng đá chuyên nghiệp

Đông Nghi

Đà Nẵng (ĐN) đã từng là thế lực mạnh của bóng đá VN với 3 chức vô địch quốc gia (năm 1992, 2009, 2012) và 5 lần á quân cùng 2 danh hiệu Cúp quốc gia (1993, 2009) và Siêu cúp quốc gia 2012. Tuy nhiên, sau giai đoạn hoàng kim này thành tích của bóng đá ĐN dần đi xuống. Sau khi giành HCĐ mùa giải 2016, những mùa gần đây ĐN đều chỉ quanh quẩn vị trí trụ hạng với thứ hạng khá thấp. Một trong những lý do dẫn đến sự tụt dốc của bóng đá ĐN là biến cố cách đây gần 10 năm với một loạt các đội trẻ như U.11 và U.13 bị giải thể để... tiết kiệm kinh phí. Nhằm lấp lỗ hổng trầm trọng trong khâu đào tạo, sau này TP rót vốn để nuôi lại các lớp trẻ nhưng lộ trình phát triển của bóng đá ĐN vẫn bị ảnh hưởng nặng.

Đà Nẵng đang đi tìm mô hình mẫu

Đông Nghi

ĐN từng một thời so kè với SLNA trong cuộc đua thống trị các giải trẻ. Nhưng sau đó bóng đá trẻ ĐN không còn dấu ấn nào đáng kể tại các giải trẻ quốc gia. HLV Lê Huỳnh Đức từng thừa nhận đội 1 SHB ĐN rất thiệt thòi vì hụt mất nguồn cầu thủ trẻ địa phương trong nhiều năm, hoặc nếu có cũng quá kém cỏi vì toàn tay ngang không được đào tạo cơ bản về kỹ chiến thuật. Điều này buộc CLB phải chữa cháy bằng cách chiêu mộ những cầu thủ miền Nam từ hạng nhất, hạng nhì như Thanh Hải, Nhật Tân, Tài Lộc (Long An), Thanh Nam (An Giang)… Những cầu thủ trẻ hay nhất của CLB thời gian gần đây như Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dụng, Đỗ Thanh Thịnh… đều xuất thân từ lò PVF. Năm 2017, cựu danh thủ Văn Sỹ Hùng được mời về vực dậy hệ thống đào tạo trẻ ĐN. Ông đã đập đi xây lại, loại bỏ một loạt đội trẻ vì chất lượng quá yếu. Đến năm 2019, người cũ của CLB HAGL là HLV Nguyễn Quốc Tuấn được mời giữ chức Phó giám đốc đào tạo trẻ để cùng chung tay với các HLV khác tại ĐN.
Riêng về đội 1 SHB ĐN, mỗi năm nhà tài trợ rót khoảng 40 tỉ đồng. Từ năm 2015, TP dành riêng nguồn quỹ 20 tỉ đồng/năm cho Sở VH-TT đầu tư lứa U.11 - U.21. Hiện tại toàn bộ hệ thống trẻ cùng đội 1 ĐN đã chuyển lên trung tâm tại Đà Sơn (Hòa Minh, Q.Liên Chiểu) rộng 30 ha. Hiện ĐN vẫn đang loay hoay đi tìm mô hình hợp lý và khoa học. Chỉ khi nào mọi cái vào guồng với lực lượng đào tạo đủ mạnh thì bóng đá ĐN mới có thể tạo lại sức bật mạnh mẽ và V-League sẽ lại thấy được sức sống của một trong những cái nôi bóng đá quan trọng của VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.