Giúp dân tăng thu nhập
Trong chiến dịch tình nguyện hè năm nay, T.Ư Đoàn đã tổ chức đội hình Trí thức trẻ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thuộc Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) đến thôn Khuổi Phầy (xã Hồng Thái, H.Na Hang, Tuyên Quang) giúp người dân phát triển kinh tế. Họ mang theo cây lê bản địa được chăm sóc, nhân giống tại trường về trồng ở thôn.
Anh Trần Hải Đăng, Bí thư Đoàn Trường ĐH Nông Lâm - Thái Nguyên, cho biết lê là cây đặc trưng của địa phương, được trồng từ nhiều năm trước nhưng không tạo ra thu nhập vì năng suất và chất lượng thấp. Từ năm 1998, những trí thức trẻ của trường đã đến đây nghiên cứu, thuần hóa cây lê để mang lại giá trị cao hơn.
“Chúng tôi đã mang giống cây về trường phát triển gien giống, đảm bảo phù hợp với điều kiện thời tiết và có sức chống chịu với sâu bệnh. Sau đó trồng thử nghiệm và mang lại hiệu quả kinh tế cao”, anh Đăng chia sẻ.
Các thanh niên tình nguyện chuyển giao kỹ thuật trồng lê cho người dân và thanh niên xã Hồng Thái |
Vũ Thơ |
Anh Đăng cho biết quả lê Hồng Thái có vị ngon đặc trưng, khác với nơi khác. Ngoài quả, hoa lê cũng rất đẹp, có giá trị phát triển du lịch cộng đồng. Nếu trồng và chăm sóc tốt, một cây lê sau 3 năm cho thu hoạch ổn định từ 1 - 3 triệu đồng (mỗi cây cho từ 20 - 50 kg quả với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg). Sau khi được thuần hóa, có vườn lê ở đây đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Năm nay các trí thức trẻ đã mang lên trồng tặng xã 100 cây lê, đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân và thanh niên địa phương. “Chúng tôi sẽ tiếp tục cử những đoàn tình nguyện lên hướng dẫn bà con các giai đoạn chăm sóc cho đến khi cây ra hoa kết trái và cho thu hoạch. Chỉ trong 3 năm, cây lê sẽ ra hoa và sẽ có thêm những rừng hoa lê trắng để bà con đón khách du lịch”, anh Đăng cho biết thêm.
Các trí thức trẻ đã tập huấn kỹ thuật cho người dân trồng, chăm sóc cây lê. Là một nông dân xã Hồng Thái, ông Đoàn Thái Tâm cho biết đã nhiều năm trồng lê nhưng quả rất bé, chỉ bán được 10.000 - 15.000 đồng/kg (hơn 10 quả).
“Nhà tôi trồng 100 cây/ha, to như cây cổ thụ nhưng không mang lại nhiều thu nhập”, ông Tâm kể. Tuy nhiên, khi áp dụng khoa học kỹ thuật thì mỗi quả lê nặng tới 0,5 kg, có quả nặng 0,8 kg, mang lại giá trị kinh tế cao, đồng thời còn thu hút khách du lịch mùa ra hoa và khi quả chín.
Chuyển giao kỹ thuật cho bà con
Là một trong những trí thức trẻ tham gia chuyển giao kỹ thuật cho bà con ở đây, tiến sĩ Hà Duy Trường, Giám đốc Trung tâm đào tạo nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi (Trường ĐH Nông Lâm - Thái Nguyên), cho biết để giúp bà con thay đổi tư duy về trồng trọt là một hành trình gian nan.
Các trí thức trẻ Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) trong ngày ra quân chuyển giao kỹ thuật tại xã Hồng Thái |
Dương Triều |
“Thời gian đầu đến đây, chúng tôi vận động bà con nhưng không ai làm theo. Những cây lê bản địa được trồng tự nhiên cao tới 5 - 6 m nên rất khó chăm sóc, thu hoạch. Chúng tôi đã thuần hóa bằng việc cắt đi, để cây chỉ cao 1,5 m, vừa dễ chăm bón, bọc quả, dễ thu hoạch… Tuy nhiên, bà con không tin, nên chúng tôi phải chọn 2 - 3 hộ dân và cam kết với họ nếu 2 năm sau không cho thu hoạch cao thì sẽ đền tiền. Sau đó, cây lê đã được thuần hóa thành công, cho hiệu quả kinh tế cao và giờ bà con ai cũng thích trồng lê”, anh Trường chia sẻ.
Để có được thành công đó, anh Trường cho biết mình phải đến đây “nằm vùng” từ năm 1998 để vừa nghiên cứu, trồng, chăm sóc cây vừa thuần hóa những cây bản địa. “Có năm tôi ở đây cả tháng không về vì cây bị bệnh phải theo dõi, chữa trị. Vợ tôi còn tưởng tôi có bồ…”, anh Trường tâm sự.
Trong đội tri thức trẻ có những bạn là sinh viên năm cuối đã tình nguyện đến để hướng dẫn bà con cách trồng và chăm sóc cây lê. Nguyễn Hải Hà (23 tuổi), sinh viên năm cuối Trường ĐH Nông Lâm - Thái Nguyên, cho biết rất phấn khởi khi được tham gia chương trình. “Chúng tôi mang cây lê đã được nghiên cứu thử nghiệm đến để trồng cho bà con, giúp nơi đây có một cảnh quan tươi đẹp để thu hút khách du lịch. Tôi muốn thông qua kiến thức được học, giúp bà con có cuộc sống tốt hơn và các em nhỏ có một tương lai tươi sáng hơn”.
Anh Trần Hải Đăng trải lòng: “Hồi còn nhỏ tôi từng đến đây, thấy đời sống của bà con còn nghèo khổ, nên rất muốn mang kiến thức đến đóng góp sức nhỏ, giúp đỡ bà con. Khi được thực hiện chương trình này, tôi rất tự hào và thấy được trách nhiệm của tuổi trẻ đối với đất nước. Chúng tôi mong muốn được cống hiến sức trẻ, giúp những vùng quê nghèo trở thành những miền quê đáng sống”.
Phấn khởi khi được đội trí thức trẻ đến chuyển giao kỹ thuật cho nông dân và thanh niên địa phương, chị Đặng Thị Dương, Bí thư Đoàn xã Hồng Thái, chia sẻ: “Đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa với bà con nông dân và đoàn viên, thanh niên. Chúng tôi đã được tiếp cận khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, đặc biệt là trồng lê, bởi đây là loại cây đặc trưng mà xã mong muốn nhân rộng để tạo sinh kế cho người dân”.
Bình luận (0)