Mấy năm gần đây, trước và sau ngày khai giảng năm học mới, phụ huynh vẫn phải mướt mải chạy khắp thành phố vẫn không mua đủ sách học cho con, dù giá tăng so với sách cũ tới 3 - 4 lần. Với tư cách là khách hàng, họ không hiểu vì sao "đổi mới căn bản toàn diện giáo dục" mà lại khiến việc mua sách giáo khoa (SGK) để học lại khó khăn, khổ sở đến vậy.
Còn các đơn vị chức năng thì đổ lỗi vòng quanh với rất nhiều lời giải thích. Nhà xuất bản (NXB) thì kêu khó vì địa phương quyết định chọn SGK chậm, số lượng sách cần mua gửi đến các NXB cũng muộn khiến họ bị động. Địa phương lại kêu khó vì phải chờ Bộ GD-ĐT phê duyệt danh mục SGK; học sinh thi xong, chọn môn học mới đăng ký mua SGK của môn học ấy…
Năm qua, cử tri và đại biểu Quốc hội nhiều tỉnh thành đồng loạt chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc tại sao nhiều phụ huynh đi khắp nơi cũng không mua được sách cho con, ai chịu trách nhiệm? Bộ trưởng nói: "Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải điều phối để làm thế nào đó sách đến được với các trường theo nhu cầu của họ. Chúng tôi không thể chỉ đạo hiệu sách này mang các sách a, b, c xuống các trường kia. Chúng tôi chỉ có thể khẩn khoản, nài nỉ chủ tịch UBND tỉnh hãy điều phối ngay để sách tới được với học sinh".
Thực tế, năm nào Bộ GD-ĐT cũng có văn bản gửi chủ tịch UBND cấp tỉnh đề nghị sớm đăng ký với các NXB về nhu cầu SGK để kịp cung ứng trước năm học mới (có thời hạn rõ ràng kèm theo). Tuy nhiên, từ khi thay sách đến nay, hầu như năm nào cũng chậm, cũng thiếu. Cơ quan quản lý lại nhắc nhở nhau, nhắc nhở các NXB phải chấn chỉnh; hàng loạt lời trần tình, hứa hẹn lại được đưa ra và năm sau tình trạng cứ lặp lại…
Đó là chuyện cung ứng, còn chuyện ảnh hưởng nặng nề hơn đến túi tiền của người dân là giá SGK mới tăng phi mã. Năm ngoái, giá SGK mới cao hơn 3 - 4 lần so với bộ SGK của chương trình cũ. Sau phản ứng của dư luận thì năm nay giá SGK mới cao hơn 2 - 3 lần tùy bộ sách; có bộ vẫn kiên trì giữ mức giá cao ngất ngưởng với lý do "khổ giấy lớn hơn, in 4 màu; chất lượng giấy in tốt hơn…".
Đơn vị xuất bản SGK nào cũng quả quyết đã cắt giảm hết mức chi phí để giảm giá SGK, và rằng "làm SGK thì phụng sự cộng đồng được đặt lên hàng đầu chứ không phải mục đích kinh doanh"… Tuy nhiên, báo cáo tài chính của 2 đơn vị phát hành SGK chủ lực hiện nay là NXB Giáo dục VN và đơn vị xuất bản bộ SGK Cánh diều cho thấy, cả hai đều thu về những khoản lợi nhuận "khủng" từ SGK; sách bài tập, tham khảo "ăn theo" SGK.
Vừa qua, điện thiếu trầm trọng ở miền Bắc, nhiều khách hàng trả tiền cũng không mua được, phải chịu cảnh cắt điện luân phiên giữa cao điểm nắng nóng mùa hè. Lập tức, ngành điện phải giải trình, cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra; người chịu trách nhiệm cao nhất về điều độ ngành điện bị tạm đình chỉ chức vụ…
Không lý do gì SGK cũng là mặt hàng thiết yếu lại không có sự giám sát, xử lý quyết liệt hơn từ khâu định giá, cung ứng đến "chăm sóc khách hàng". Những lời hứa hẹn từ năm này sang năm khác về giảm giá và cung ứng đủ SGK không thực hiện được sẽ chỉ khiến người dân thêm nơm nớp "đến hẹn lại lo" vì mặt hàng đặc biệt này.
Bình luận (0)