Đề đánh giá năng lực: Có lo ngại môn không học mà vẫn thi?

25/11/2024 06:06 GMT+7

Năm 2025, những học sinh đầu tiên của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu tốt nghiệp THPT và tham gia tuyển sinh ĐH. Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM sau 7 năm triển khai đã không còn phù hợp.

Vì vậy, việc điều chỉnh cấu trúc đề thi đánh giá năng lực là thực sự cần thiết.

THAY ĐỔI CẤU TRÚC ĐỀ THI

Ngày 12.11, ĐH Quốc gia TP.HCM ban hành cấu trúc bài thi đánh giá năng lực được áp dụng từ năm 2025. Theo đó, cấu trúc bài thi được điều chỉnh cho phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Đề đánh giá năng lực: Có lo ngại môn không học mà vẫn thi?- Ảnh 1.

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2024

ẢNH: NHẬT THỊNH

Tự ôn luyện là cách thức ôn thi đánh giá năng lực hiệu quả nhất

Ngay cả việc tham gia thi các kỳ thi quốc tế như SAT, IELTS, TOEFL, TOEIC… thì đều phải ôn luyện để đạt được điểm cao, bao gồm tự ôn luyện hoặc ôn luyện ở một trung tâm luyện thi nào đó. Thi đánh giá năng lực cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, với độ phủ kiến thức và mục tiêu đánh giá của kỳ thi, việc tự ôn luyện dựa theo cấu trúc đề thi và dựa theo đề thi mẫu là việc ôn thi hiệu quả nhất dành cho mọi TS. Chỉ có tự ôn luyện, TS mới có thể đánh giá được sự tiến bộ của mình và tự đánh giá được năng lực của mình qua từng giai đoạn.

Cụ thể, vẫn giữ cấu trúc phần sử dụng ngôn ngữ và toán học nhưng tăng số lượng câu hỏi của hai phần này để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi. Phần logic - phân tích số liệu và giải quyết vấn đề được cấu trúc lại thành phần tư duy khoa học nhằm đánh giá năng lực của thí sinh (TS) về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội.

Đề thi đánh giá năng lực từ năm 2025 vẫn bao gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan với 150 phút làm bài và thực hiện thi trên giấy. Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, kết quả thi được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm hiện đại theo lý thuyết ứng đáp câu hỏi (Item Response Theory - IRT).

Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó của câu hỏi. Như vậy, mặc dù có sự thay đổi về mặt cấu trúc nhưng tổng số câu hỏi, thời gian làm bài và cách tính điểm từng câu không có sự thay đổi so với cấu trúc đề thi trước đây.

CẤU TRÚC ĐỀ THI SẼ ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CHO THÍ SINH

Trước tiên, cần nhấn mạnh rằng kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM không phải là kỳ thi bắt buộc dành cho TS mà việc tham gia kỳ thi nhằm giúp TS có thêm cơ hội để xét tuyển vào các trường ĐH.

Sau khi cấu trúc đề thi 2025 được công bố, nhiều phụ huynh và học sinh tỏ ra băn khoăn về một số nội dung học sinh không được học trong chương trình GDPT 2018 nhưng vẫn có trong đề thi. Tuy nhiên, với việc giảm số câu hỏi cho phần giải quyết vấn đề từ 50 câu (5 lĩnh vực, mỗi lĩnh vực 10 câu) xuống còn 18 câu (6 lĩnh vực, mỗi lĩnh vực 3 câu) cho thấy bộ phận chuyên môn đã có sự cân nhắc để bảo đảm quyền lợi cho tất cả TS.

Đề đánh giá năng lực: Có lo ngại môn không học mà vẫn thi?- Ảnh 2.

Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực năm 2025 ĐH Quốc gia TP.HCM công bố gần như giữ ổn định từ cách thức thực hiện, tổng số câu hỏi, thời gian làm bài và cách tính điểm từng câu

ẢNH: NHẬT THỊNH

Cụ thể, với cấu trúc đề thi cũ, mặc dù tất cả 5 lĩnh vực đều được giảng dạy trong chương trình GDPT nhưng đa phần TS cũng chỉ nắm vững tối đa 3 lĩnh vực, nghĩa là có ít nhất 2 lĩnh vực không là thế mạnh của mình, tương ứng khoảng 20 câu hỏi. Trong khi đó, ở cấu trúc đề thi vừa được công bố, phần không được giảng dạy trong nhà trường chiếm không đến 6 câu hỏi. Thực tế, theo số liệu thống kê từ năm 2018 đến nay, điểm dao động của các thủ khoa từng đợt thi là khoảng 1.100 điểm, nghĩa là ngay cả thủ khoa của các kỳ thi cũng không thể làm trọn vẹn 120 câu hỏi của đề thi. Đây cũng là một trong các mục tiêu mà bộ phận chuyên môn của đề thi hướng đến, đó là giúp TS phát huy hết năng lực khi làm bài.

Cũng cần lưu ý thêm rằng, đánh giá năng lực là một kỳ thi tuyển sinh, không phải là kỳ thi tốt nghiệp, nên không yêu cầu TS phải làm được tất cả các câu có trong đề thi, mà tùy theo năng lực của mình, TS cần làm nhiều câu nhất có thể. Do đó, việc điều chỉnh này của ĐH Quốc gia TP.HCM là phù hợp với bối cảnh xét tuyển kết hợp nhiều phương thức của các trường.

Mặc dù có một số thay đổi về nội dung cho phù hợp với chương trình GDPT mới, nhưng cấu trúc đề thi đánh giá năng lực vừa được công bố gần như giữ ổn định từ cách thức thực hiện, tổng số câu hỏi, thời gian làm bài và cách tính điểm từng câu. Điều này cũng thể hiện sự ổn định của kỳ thi, cũng như thể hiện sự nghiêm túc và có trách nhiệm của những người tham gia.

Việc điều chỉnh cấu trúc đề thi đánh giá năng lực nhằm duy trì một phương thức tuyển sinh công bằng và toàn diện, giúp TS phát huy tối đa tiềm năng cá nhân, đồng thời nâng cao hiệu quả tuyển sinh của các đơn vị đào tạo trong môi trường giáo dục đa dạng và liên tục phát triển.

CÁCH XÉT TUYỂN CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Mọi sự thay đổi, dù có tốt đến đâu cũng không thể tránh khỏi những băn khoăn của dư luận. Tất nhiên, đến thời điểm này, hầu như tất cả các trường đều đã cơ bản xây dựng được kịch bản cho phương án tuyển sinh và đang chờ ngày công bố. Trong đó, các trường đào tạo có tính đặc thù sẽ có thêm các tiêu chí khác để kết hợp xét tuyển, chẳng hạn đưa ra ngưỡng điểm bắt buộc cho một vài môn học nào đó trong chương trình THPT tương ứng với đặc thù của từng ngành đào tạo bậc đại học.

Theo lãnh đạo một đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM, việc thực hiện phương thức kết hợp sẽ đánh giá đầy đủ năng lực của TS, tạo công bằng để TS tham gia xét tuyển. Đồng thời, điều này góp phần đa dạng nguồn tuyển sinh, tạo động lực học tập và tham gia các hoạt động văn thể mỹ liên quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.